Sau sắp xếp lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn mô hình tổng cục
L.A.
13/12/2024 8:43 AM (GMT+7)
Kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước là sẽ giảm 65 đơn vị cấp vụ, cục, tương đương và 1 tổng cục. Dự kiến, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng từ mô hình tổng cục sẽ trở thành các cục.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì các cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào ngày 10/12.
Theo đó, đối với việc sắp xếp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các ý kiến thống nhất với phương án chuyển một phần chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của ủy ban về Bộ Tài chính và phần còn lại chuyển về Ngân hàng Nhà nước theo tinh thần "người đi theo việc".
Trong cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Tại cuộc họp, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết thời gian quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quán triệt hết sức nghiêm túc, khẩn trương triển khai việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo do Thống đốc làm Trưởng ban, triển khai xây dựng các phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần một việc, một đầu mối và đánh giá tác động của các phương án.
Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo cụ thể về phương án sắp xếp các vụ, cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc; phương án sắp xếp Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng và các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương.
Trong đó, có 2 khối giảm lớn nhất đó là Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh thành và sắp xếp lại Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng từ mô hình Tổng cục xuống thành các cục.
Dù vậy quá trình sắp xếp có khó khăn, đó là cần thực hiện theo lộ trình để bảo đảm hoạt động thường xuyên về nghiệp vụ của ngành và bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước. Cùng đó là các vấn đề liên quan đến bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp bộ máy.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phải đảm bảo quy mô hợp lý, đủ người, đủ trách nhiệm để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, tính toán để cân đối, đảm bảo giảm đầu mối theo đúng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo đối với Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Theo quy định mới tại Nghị định 102/2022/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 25 đơn vị. Nghị định 102/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Bao gồm: (1) Vụ Chính sách tiền tệ; (2) Vụ Quản lý ngoại hối; (3) Vụ Thanh toán; (4) Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; (5) Vụ Dự báo, thống kê; (6) Vụ Hợp tác quốc tế; (7) Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính; (8) Vụ Kiểm toán nội bộ; (9) Vụ Pháp chế; (10) Vụ Tài chính - Kế toán; (11) Vụ Tổ chức cán bộ; (12) Vụ Truyền thông; (13) Văn phòng; (14) Cục Công nghệ thông tin; (15) Cục Phát hành và kho quỹ; (16) Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; (17) Cục Quản trị; (18) Sở Giao dịch; (19) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; (20) Các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (21) Viện Chiến lược ngân hàng; (22) Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam; (23) Thời báo Ngân hàng; (24) Tạp chí Ngân hàng; (25) Học viện Ngân hàng.
Các đơn vị từ (1) đến (20) là đơn vị hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương; các đơn vị từ (21) đến (25) là đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.