Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện", điểm nhấn đặc biệt nhất của Lễ hội Sông nước TP.HCM, diễn ra tại cảng Sài Gòn tối 6/8 khiến hàng nghìn người mãn nhãn, thích thú, hò reo. Đây là một trong những sản phẩm du lịch mới gắn với định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của TP.HCM.
“Dòng sông kể chuyện” là chương trình nghệ thuật tái hiện các giai đoạn chính của lịch sử khai phá, hình thành và phát triển gắn với sông Sài Gòn, con sông của một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa lớn nhất nước.
Chương trình tái hiện sinh hoạt văn hóa và kinh tế, nếp sống trên bến dưới thuyền của cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, trong hơn 300 năm qua với 5 chương biểu diễn: Khẩn hoang, Xây thành, Trên bến dưới thuyền, Thương cảng phồn vinh và Rực rỡ thành phố bên sông.
"Khẩn hoang" lấy cảm hứng từ câu chuyện khai khẩn vùng đất phương Nam và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc để tái hiện không khí xây dựng cuộc sống mới đầy sôi nổi và truyền tải thông điệp về sự sinh sôi qua ngôn ngữ múa đậm sắc dân gian với cây lúa, biểu tượng của sức sống, là vòng tuần hoàn của thời gian trong mỗi khắc chuyển mùa.
"Xây thành" là chuyến đi ngược dòng thời gian về với những dân phu dựng nên thành Gia Định - tòa thành được xây bằng đá ong Biên Hòa, giúp giữ vững an ninh vùng Gia Định.
“Trên bến dưới thuyền” tái hiện nhịp sống và hình ảnh thân quen của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở xứ Sài Gòn - Gia Định xưa như làng mắm, làng rèn, làng dệt chiếu, làng đóng ghe thuyền và cả những sản phẩm gốm Cây Mai tinh xảo, nức tiếng một thời…
“Thương cảng phồn vinh” với bến cảng thương mại sôi động hàng đầu Đông Dương thời bấy giờ, những con tàu cập bến, đưa những thương nhân, du khách đến trao đổi hàng hóa, giao thương buôn bán với người dân bản địa.
Cuối cùng là “Rực rỡ thành phố bên sông”, hình ảnh một TP.HCM trẻ trung, năng động, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và luôn ngập tràn tình yêu thương.
Chương trình nghệ thuật được tổ chức trong một không gian “trên bến dưới thuyền” độc đáo, với sự biểu diễn của hơn 700 diễn viên.
“Trên bến” là cảng Sài Gòn - thương cảng có tuổi đời hơn 160 năm với tầm nhìn hướng về trung tâm Thành phố, nơi có các công trình ghi dấu ấn về sự phát triển của TP.HCM hơn 300 năm qua như Cột Cờ Thủ Ngữ, Bến Bạch Đằng và các công trình hiện đại. “Dưới thuyền” chính là mặt sông Sài Gòn - dòng sông gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết lịch sử hình thành của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định TP.HCM trong hơn 300 năm qua có dấu ấn đậm nét của những dòng sông. Dòng sông đã ôm trọn thành phố suốt chiều dài lịch sử từ khởi thủy đến văn minh.
“Những ngày đầu khẩn hoang, cha ông ta đã đi dọc theo sông mà lập thành Bến Nghé; tàu thuyền giao thương, buôn bán mà có Bến Bạch Đằng, Bến Bình Đông; hệ thống kênh rạch nối từ sông ra biển uốn quanh thành phố tạo nên các vùng Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp, Nhà Bè và các bán đảo Thủ Thiêm, Thanh Đa; kênh Tàu Hủ - Bến Nghé nối thành phố về miền Tây Nam Bộ; là nơi trung chuyển lúa gạo, nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Mãi chia sẻ.
Theo lãnh đạo TP.HCM, có thể nói sông và kênh rạch không chỉ góp phần kiến tạo dáng hình, diện mạo của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM mà còn mang theo dòng chảy sự đa dạng về văn hóa để hợp lưu và tiếp biến thành bản sắc văn hóa Nam Bộ, hình thành tính cách hào sảng, phóng khoáng, cởi mở, lạc quan, khát khao vươn ra biển lớn của người dân TP.HCM.
Đến hôm nay, với những cơ hội mới, dòng chảy lịch sử sẽ tiếp tục ghi dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển thành phố bên sông.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng chương trình cũng là lời chào của TP.HCM, một đô thị sông nước hiền hòa, sống động, trẻ trung, cởi mở và không ngừng sáng tạo, hướng tới tương lai; là thông điệp của thành phố anh hùng, giàu nội lực, bản lĩnh và sẵn sàng hợp tác để cùng bạn bè năm châu tìm hướng phát triển kinh tế dịch vụ trên sông, ven sông, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế từ tài nguyên sông, biển.
Rộng hơn, Lễ hội Sông nước TP.HCM còn là hoạt động nhằm nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào của người dân về lịch sử của Thành phố và phát huy tiềm năng vốn có, khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn; thúc đẩy truyền thông và quảng bá về các làng nghề truyền thống, các biểu tượng du lịch và điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng nhất của Thành phố, góp phần định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của TP.HCM.
Thị trường văn phòng cho thuê ở TP.HCM dù được bổ sung nguồn cung dồi dào trong quý 3 năm nay nhưng đà tăng giá thuê vẫn chưa ngừng lại.
Không ít ngân hàng đã đạt lợi nhuận khá tích cực trong 9 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, ngược với đà tăng trưởng đó, cũng có nhà băng cho thấy xu hướng đi lùi.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ phải huy động số tiền cao kỷ lục để giúp các nước thu nhập thấp, những nơi bị thiên tai và các nước không đủ lương thực cho người dân.
Bamboo Airways sẽ khai thác trở lại đường bay thường lệ tới Bangkok. Đây là động thái đầu tiên của hãng này sau một năm dừng bay thường lệ quốc tế, để tập trung tái cơ cấu.
Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM và 1 trưởng ban điều hành Dự án 4 thuộc ban này.
"Phố Nhật Bản" giữa lòng TP.HCM - đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 sẽ được cải tạo, chuyển thành phố đi bộ trong thời gian 19h-23h, tương tự như đường Nguyễn Huệ.