Từ thợ sửa xe máy, anh Nguyễn Văn Khoa (53 tuổi, ở khu phố 4, phường Phú Đông, TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) đã trở thành thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ, đánh bắt cá ngừ đại dương các ngư trường ở biển Đông. Hiện anh Khoa là chủ 3 tàu cá với công suất 400CV/tàu, vợ chồng anh còn lập cơ sở thu mua sản phẩm cho 50 tàu câu cá ngừ đại dương trong vùng.
Bấm điện thoại, tiếng anh Khoa vồn vã giữa bề bộn âm thanh: "Giờ anh em mình gặp luôn ở cảng Đông Tác đi. Mai mình xuất bến chuyến mới…". Thì ra, thuyền trưởng Khoa đang đứng ở cầu cảng để chỉ huy anh em tập kết nhu yếu phẩm cho chuyến câu cá ngừ đại dương hàng tháng trên biển.
Tới tấp các xe chở đá lạnh, gạo, mắm, rau, củ, quả, bình gas… được đưa xuống tàu đang neo ở Cảng cá Đông Tác, TP.Tuy Hòa. Tôi tỏ ý ngạc nhiên chỉ tay vào mấy hộp bia, anh Khoa cười: "Cái này chỉ uống hạn chế lúc ăn cơm thôi, đi biển dài ngày mà…". Ổn định việc xếp đồ ăn thức uống lên tàu, anh kéo tôi đến bộ bàn đá trước văn phòng cảng cá.
"Mấy đợt trước, chủ yếu vợ mình lo nhu phẩm chuyến biển. Còn lần này bả đang đi Úc thăm con vừa tốt nghiệp đại học", Khoa cho biết vợ chồng anh có 3 con trai: Đứa đầu ở Úc, đứa hai đang đại học tại TP.Hồ Chí Minh, đứa út học lớp 6.
Khá bất ngờ khi Khoa cho hay, nghề đầu tiên của anh khi học xong phổ thông là sửa xe máy. Khi ngành đánh bắt xa bờ phát triển, anh bắt đầu bén duyên nghiệp đi biển theo tàu cá ngừ đại dương. Lập gia đình, anh tham gia vận chuyển cá cho vợ buôn bán.
Nhờ nhanh nhạy nắm bắt các đầu mối tiêu thụ, vợ chồng anh dần mở rộng sản lượng kinh doanh, thu mua sản phẩm thường xuyên hơn 50 tàu câu cá ngừ đại dương.
Thấy được tiềm năng đánh bắt xa bờ, năm 2006, vợ chồng anh gom vốn sắm chiếc tàu cá ngừ đại dương đầu tiên, do Khoa trực tiếp làm thuyền trưởng. Sức trẻ truân chuyên với những chuyến biển xa bờ, tàu nhà anh liên tiếp bội thu. Với việc bám sát nhu cầu thị trường, gia đình anh tiếp tục đầu tư các loại máy móc đánh bắt, sơ chế để sản phẩm cá ngừ luôn đạt chuẩn yêu cầu.
Tiếp đà làm ăn, khoảng mười năm sau, vợ chồng Khoa đầu tư mua tiếp 2 tàu cá ngừ đại dương. Đến nay, gia đình anh đang có 3 tàu đánh bắt xa bờ, với công suất 400CV/tàu, tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong đó, tàu PY-90026 do anh Khoa trực tiếp làm thuyền trưởng.
Theo thuyền trưởng Khoa, chi phí đầu tư bình quân cho mỗi chuyến đánh bắt xa bờ từ 150 - 160 triệu đồng, thời gian của mỗi chuyến biển từ 20 - 30 ngày. Ngư cụ trên 3 con tàu đang từng ngày được nâng cấp hiện đại, đảm bảo cho tàu đánh bắt cá ngừ đại dương hoạt động dài ngày trên biển.
Ngoài việc đóng mới tàu có công suất lớn, ngư cụ đạt chuẩn, tàu còn trang bị radio tầm xa (ECOM), tầm gần, máy định vị, hải đồ, máy kéo câu, hệ thống ròng rọc câu, thiết bị bảo hiểm cho lao động, hầm bảo quản sản phẩm… Nhờ các loại dụng cụ, máy móc hiện đại nên đã giảm được số lượng lao động làm việc trên tàu, giảm được những công đoạn nặng nhọc, tăng độ an toàn trên biển.
Nhiều năm qua, các tàu cá xa bờ của gia đình anh đạt sản lượng đánh bắt gần 6 tấn/năm/tàu. Bên cạnh đó, cơ sở kinh doanh của vợ chồng anh Khoa đã thu mua hàng năm gần 100 tấn cá ngừ đại dương.
3 tàu xa bờ cộng với công việc mua bán hải sản của gia đình anh Khoa đạt lợi nhuận hàng năm trên 3 tỷ đồng. Cơ sở kinh doanh, đánh bắt xa bờ của gia đình đang thu hút 30 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/lao động/tháng.
"Ngư trường đánh bắt cá ngừ đại dương của tôi 30 năm nay là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Nghề cá xa bờ thường nhật đối mặt với nhiều thử thách trên biển. Tổ tàu thuyền chúng tôi luôn phối hợp chặt với cơ quan chức năng trong mỗi lần ra khơi. Các tàu xa bờ bây giờ đều chú trọng trang bị máy móc hiện đại nên anh em rất yên tâm bám biển làm giàu", anh Khoa nói, rồi tạm biệt tôi để về nhà chuẩn bị sớm mai ra khơi.
Theo đại diện Cảng cá Đông Tác, thuyền trưởng Nguyễn Văn Khoa hiện là Tổ trưởng tổ tàu thuyền đoàn kết giúp nhau trên biển. Tổ có 10 tàu cá xa bờ của ngư dân đang sống gần khu vực cảng. Đã nhiều lần, anh Khoa đã tực tiếp điều hành cứu hộ, cứu nạn trên biển, giúp nhiều tàu cá bị nạn trở về đất liền an toàn.
Đặc biệt, anh Khoa luôn đi đầu thực hiện, tuyên truyền người thân cũng như các chủ tàu thuyền khác về khai thác thuỷ hải sản đúng ngư trường, để chung tay gỡ thẻ vàng EC với ngành hải sản Việt.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.