Hò... ơ... Ta đi ta nhớ Lấp Vò
Nhớ dòng sông chở câu hò giao duyên
Nhớ người dệt chiếu Định Yên
Trăm năm ai dệt ước nguyền cùng ai…
Điệu hò đối đáp của chàng trai cô gái đất sen hồng cất lên, lan theo khói sóng, hòa nhịp cùng tiếng mái chèo khua nước làm dâng lên trong lòng người cảm xúc khó tả. Có lẽ chính người dân xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cũng không thể ngờ bỗng một ngày, con rạch Ngã Cạy êm đềm trước mặt đình Định Yên lại xôn xao, rộn ràng đến thế. Bởi lẽ, ngôi đình thần cổ kính hợp cùng con rạch giờ đây biến thành sân khấu mở, làm nơi biểu diễn thực cảnh tái hiện chợ ma Định Yên, tức chợ chiếu vang bóng một thời.
19 giờ. Ánh sáng đột ngột vụt tắt. Khoảng sân trước cổng đình thần phủ tràn bóng tối, rền tiếng ếch nhái, dế muỗi kêu vang. Trăng trên cao cũng khi tỏ khi mờ.
Ai... chiếu hôn…? Chiếu đây…!
Tiếng rao lanh lảnh ấy lập tức đưa du khách trở về không gian chợ chiếu Định Yên có-một-không-hai ở miền Tây thuở trước. Vùng đất Định Yên, Lấp Vò vốn là làng nghề dệt chiếu nổi danh khắp Nam kỳ Lục tỉnh. Xa xưa, chợ chiếu Định Yên chuyên nhóm họp ban đêm, giờ giấc không cố định, thường từ trước khuya đến hai, ba giờ sáng, phụ thuộc con nước lớn ròng.
Thương lái, người bán chiếu theo đường bộ hoặc đường sông đổ về khu chợ trước đình Định Yên để mua bán lát và chiếu thành phẩm. Đường quê tịch mịch, bà con đốt đèn dầu mù u hay đuốc lá dừa lập lòe, vừa đi vừa rọi. Tại chợ, đèn hột vịt, đèn Huê Kỳ cũng được thắp lên chờn vờn, lúc ẩn lúc hiện. Vì những lẽ đặc biệt đó, dân gian gọi chợ chiếu Định Yên là chợ ma, nghe gần gũi mà cũng rất liêu trai. Ngược đời hơn nữa, ở đây, người mua ngồi tại chỗ, còn người bán thì đứng và mang chiếu đi đi lại lại, trở thành nét đặc trưng riêng có.
Thời cuộc biến động, chợ ma - tập quán sinh hoạt ngày nào dần mai một, chỉ còn lưu dấu trong tâm thức ba, bốn thế hệ người dân làng chiếu Định Yên. Vậy mà giờ đây, ký ức trăm năm đó lại thức dậy sống động, tái hiện qua thực cảnh mở ra trước mắt du khách. Bối cảnh thật. Đạo cụ thật. Và quan trọng, "diễn viên" cũng... thật. Hơn trăm người đủ cả nam thanh nữ tú, nhi đồng lão niên, cùng dồn tâm sức tham gia biểu diễn. Hoàn toàn là bà con làm chiếu xứ này. Họ đội chiếu trên đầu, vác chiếu trên vai. Họ trả giá, mua bán. Họ chuyện trò, thăm hỏi. Họ rảo bộ trên bờ, đi xuồng dưới rạch. Âm nhạc. Tiếng động. Ánh sáng. Khói lửa. Tất cả hòa quyện trong một kịch bản tái hiện chợ ma Định Yên.
"Qua sự kiện, chúng tôi mong muốn khơi dậy những giá trị truyền thống, những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn qua bảo tồn, khôi phục làng nghề dệt chiếu thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân", Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò Nguyễn Thị Nhanh bồi hồi chia sẻ.
Tại Lấp Vò, Đồng Tháp, đình thần Định Yên có từ thế kỷ XIX đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2012, nghề dệt chiếu truyền thống ở xã Định Yên, Định An với hơn 200 năm tuổi cũng được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia một năm sau đó (2013).
Thực cảnh chợ ma Định Yên gắn kết chặt chẽ với hai di tích, di sản kể trên. Show là điểm nhấn trong tour tham quan đình xưa, trải nghiệm nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương... Ngày ra mắt sản phẩm du lịch mới mẻ này, từ lãnh đạo các cấp ngành đến bà con địa phương, tất thảy chung tâm trạng hồi hộp, nôn nao, xen lẫn hồ hởi, phấn khởi, hy vọng sẽ có một, rồi hai, rồi nhiều nhiều nữa các đoàn khách gần xa ghé đến.
Có người trăn trở về tương lai thực cảnh chợ ma Định Yên: kinh phí duy trì sẽ ra sao, nuôi nó thế nào đây?
Với niềm tin mạnh mẽ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, vài năm đầu, tỉnh sẽ hỗ trợ từ ngân sách, tình hình khả quan sẽ tiến tới tự cân đối thu chi. Về hướng bền vững cho sản phẩm du lịch chợ ma Định Yên, Đồng Tháp sẽ liên kết Lấp Vò với các địa phương trong tỉnh như Cao Lãnh, Sa Đéc, Lai Vung, Tháp Mười… để hình thành đa dạng tour tuyến, cùng phát triển.
Với tư cách người góp sức tư vấn, hiện thực hóa sản phẩm văn hóa - du lịch Định Yên, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự trải lòng đôi điều về câu chuyện di sản văn hóa và du lịch, lấy ví dụ từ chính trường hợp phố cổ Hội An, Quảng Nam quê ông. Phục dựng chợ chiếu Định Yên, ông Nguyễn Sự cho rằng đó là việc "phủi bụi thời gian" trên những giá trị văn hóa rất đáng tự hào của cha ông và khẳng định: "Làm cái này, trước hết là vì văn hóa, cho văn hóa, sau nữa mới là kinh tế, để người dân có thêm thu nhập từ dịch vụ. Tiền có thể kiếm lại, còn mất văn hóa là mất đi tài sản vô cùng to lớn".
Khép lại thực cảnh chợ chiếu Định Yên là màn múa sen và thả hoa đăng lung linh, thắp sáng con rạch Ngã Cạy. Chúng tôi lắng lòng khi nghe lời chào kết và lời hứa "cùng nhau giữ lửa, khêu ngọn bấc đèn tỏa sáng cho muôn đời sau" của người dân xứ này: "Sông có đời sông, người có phận người. Phù sa lắng đọng tạo nên trầm tích dòng sông, con người tạo nên trầm tích cho cuộc đời. Các thế hệ người Định Yên đã tạo nên trầm tích cho một vùng đất...".
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.