Trao đổi tại tọa đàm "Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp" diễn ra tại TP.HCM ngày 6/4, nhiều doanh nghiệp cho biết từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Cùng với đó, xung đột quân sự Nga-Ukraine và giá dầu thế giới tăng, dẫn đến chi phí vận tải, logistics tăng cao càng làm cho chi phí xuất nhập khẩu gia tăng.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho biết đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vấp phải cú sốc giá xăng dầu, chiến tranh Nga-Ukraine, chi phí logistics tăng vọt. Riêng ngành hàng không, chi phí chở hàng từ châu Á đi Mỹ từ 1,8 USD/kg tăng lên 18 USD/kg. Doanh nghiệp càng xuất khẩu càng lỗ.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng xác nhận khi chi phí bị đẩy lên cao, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận hòa vốn, thậm chí bị lỗ để xuất khẩu hàng hóa nhằm duy trì mối quan hệ làm ăn với khách hàng.
Gần đây, phí chuyên chở container tiếp tục được nhiều hãng tàu thông báo điều chỉnh tăng đến 20%, dù mức giá đã khá cao, tăng nhiều lần so với trước khi có dịch. Chi phí xuất nhập tăng cao làm nhiều doanh nghiệp không đủ lực để cạnh tranh.
Ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết nguyên nhân chi phí xuất nhập khẩu chưa thể giảm là do biến động giá xăng dầu, chiến tranh Nga - Ukraine, dịch bệnh tại các quốc gia ảnh hưởng chuỗi cung ứng.
Ông cũng thẳng thắn cho biết nguyên nhân chi phí xuất nhập khẩu chưa thể giảm, ngoài ra còn từ phía cơ quan nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính còn chưa điện tử hóa, văn bản quy phạm pháp luật chưa sát doanh nghiệp, chồng chéo công tác quản lý, một mặt hàng nhiều bộ ngành quản lý.
Ông Tám cũng cho biết, về phía doanh nghiệp, kiến thức liên quan quy định hàng xuất khẩu chưa nắm rõ khiến quá trình thực hiện gặp vướng mắc…
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho biết ngành hàng không trong nước vẫn chưa có hãng bay chuyên biệt chở hàng hóa, phân khúc này đang do các hãng bay nước ngoài khai thác. Ông cho rằng khi có được hãng bay chuyên chở hàng hóa, cùng với công ty logistics có nhiều "ông lớn" tham gia thì sẽ từ từ giải quyết được bài toán chi phí đội quá cao vì chênh lệch cung-cầu.
Ông Trần Việt Huy, Trưởng ban Hải quan và tạo thuận lợi thương mại - Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, đánh giá chi phí logistics trong thời gian tới chưa có dấu hiệu giảm.
"Ngành hải quan cần tiếp tục áp dụng thủ tục hải quan minh bạch, hiệu quả để giảm chi phí và tăng tính dự đoán; nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan, trên nền tảng mạng một cửa quốc gia sẵn có và tiến tới trên nền tảng phần mềm hải quan miễn phí" - ông Huy đề xuất.
Ông Đặng Thái Thiện - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TP.HCM, cho biết Cục Hải quan TP.HCM đang có Đề án "Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái".
Ông Thiện nêu thực tế, cảng Cát Lái có sản lượng hàng hóa khai thác chiếm 50% thị phần cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại cảng biển TP.HCM nhưng kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng của sản lượng hàng hóa thông qua cảng dẫn đến nguy cơ ùn tắc tại cảng Cát Lái và ảnh hưởng giao thông các khu vực lân cận cảng.
Đề án này có mục tiêu giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và giảm 70% thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho rằng tiết giảm chi phí xuất nhập khẩu là công việc đòi hỏi nhiều bộ ngành, các bên liên quan cùng chung tay thì mới có thể thực hiện hiệu quả. Khi thực hiện tốt đề án này, Cục Hải quan TP.HCM sẽ nâng cấp và thực hiện rộng rãi tại các cảng khác để tất cả doanh nghiệp đều được tiết giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng.
Chủ sở hữu sàn thương mại điện tử Temu đã đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua việc xây thêm đường cất hạ cánh thứ 2 của sân bay Long Thành tại Đồng Nai ngay trong giai đoạn 1 của dự án lớn này.
SK Group, tập đoàn kinh tế gia đình (chaebol) lớn thứ 3 Hàn Quốc sau Samsung và Hyundai, đã chuyển nhượng thành công 76 triệu cổ phiếu của Masan Group thông qua phương thức thỏa thuận.
Google, Shopee, TikTok, Lazada, Temu và các đơn vị khác đang dồn dập thi nhau đốt nóng ngành thương mại điện tử ở Việt Nam, thị trường với 100 triệu người tiêu dùng và được dự báo sẽ tăng 22% trong thương mại điện tử vào năm 2025.
Bầu Đức tặng 1 triệu trái chuối cho khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị Kingfoodmart ở TP.HCM và Bình Dương. Khách được tặng miễn phí một combo 4 - 5 trái chuối để ăn thử.
Giải Golf Hiệp hội Phân bón Việt Nam mở rộng lần thứ I sẽ diễn ra ngày 9/11/2024, và Ban Tổ chức sẽ dùng số tiền đóng góp để hỗ trợ đồng bào ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão Yagi (bão số 3) gây ra.