Không phải là các CĐV ném đồ ăn vào nhau trên khán đài như học sinh trung học, mà nếu một cuộc chiến bằng ngôn từ và biểu ngữ. Chuyện bắt đầu khi trong trận Thụy Sĩ gặp Hungary, các CĐV Thụy Sĩ giơ tấm bìa cạc-tông trên đó viết "Fondue ngon hơn Goulash". Fondue là món lẩu pho-mai của người Thụy Sĩ còn Goulash là món thịt hầm tẩm ớt bột nổi tiếng của người Hung.
Không biết có phải điều này đã giúp sức cho các cầu thủ Thụy Sĩ chiến thắng Hungary hay không? Nhưng các trận sau đó, kẻ gây hấn thường là kẻ thất bại. Người Ba Lan trong trận gặp Hà Lan giơ tấm biển nói món xúc xích Kielbasa của họ ngon hơn món pho-mai Gouda mang tính biểu tượng nhất của Hà Lan. Nhưng Ba Lan đã thua Hà Lan trên sân.
Một nhóm người hâm mộ Albania được quay phim đang trêu chọc đối thủ người Ý của họ trên đường phố Dortmund bằng cách bẻ những bó mì Spaghetti, niềm kiêu hãnh của người Ý. Nhưng trong trận đấu, người Ý vẫn chiến thắng 2-1. Có lẽ các cầu thủ lấy cảm hứng từ tấm biển trên khán đài "Eat pasta and run Fasta" (Ăn pasta và chạy nhanh hơn). Phải, không có Spaghetti thì người Ý vẫn còn món mì Pasta.
Có lẽ lấy cảm hứng từ người Albania, các CĐV Áo đã cố gắng hết sức để chọc giận đội Pháp bằng cách bẻ gãy những chiếc bánh mì Baguette trước mặt một nhóm CĐV Pháp, cùng với biểu ngữ: "Schnitzel ngon hơn Baguette". Schnitzel là món thịt lợn chiên của người Áo.
Bạn có thể thấy linh hồn của người Pháp vỡ vụn như lớp vỏ Baguette vàng giòn hoàn hảo? Không, đội Pháp đã thắng đội Áo. Nhưng có vẻ việc Baguette bị bẻ gãy là một điềm xấu với đội Pháp: chiếc mũi của tiền đạo ngôi sao Mbappe bị gãy trong trận đấu đó, khiến anh phải đeo mặt nạ bảo vệ mặt đến hết giải.
Trò bẻ Baguette đang thịnh hành. Một đoạn video ghi lại cảnh một số cô gái trẻ mặc áo tuyển Anh bẻ Baguette trước mặt CĐV Pháp đã nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng. Tại sao họ làm điều đó? Chắc chỉ tìm kiếm sự nổi tiếng thôi. Chứ Anh nếu có gặp Pháp thì phải đến trận chung kết mới gặp.
Điều gì có thể gây tổn thương cho niềm tự hào yêu nước của người châu Âu hơn là chế nhạo món ăn dân tộc yêu quý của họ? Thôi thì bẻ mì ống, bẻ bánh mì vẫn còn đỡ hơn là bẻ chân bẻ tay nhau, bẻ cổ chai rồi lao vào nhau. Xem như một phiên bản hooligan dễ chấp nhận hơn.
"Ơn trời, bạo lực đã không xảy ra. Thay vào đó, chúng ta đang chứng kiến rất nhiều đùa giỡn vui vẻ giữa những người hâm mộ như những cuộc chiến ẩm thực vui nhộn này", Roland Koch, chủ gian hàng thực phẩm tại Hamburg nói, "Chỉ cần đừng gây rối với món Currywurst của chúng tôi, nếu không các bạn sẽ gặp rắc rối đấy!"
Trước khi đến Đức, các CĐV có lẽ đã đọc các hướng dẫn ẩm thực ở Đức, đến đâu nên thử món gì. Ví dụ, đến Berlin ăn Currywurst, một loại xúc xích xông khói với lớp nước sốt cà-ri. Đến Munich ăn món thịt lợn Schweinshaxe, đến Dortmund ăn món thịt hầm Pfefferpotthast…
Nhưng có lẽ phải vào nhà hàng năm sao ăn các món đó mới ngon thì phải, chứ còn mua ngoài đường không ngon? Các CĐV Anh sang Đức rất phàn nàn các món Đức bán ở các sân bóng là làm cẩu thả, qua quýt. Một người Anh, để tránh nước sốt dính vào chiếc áo màu trắng của đội Anh, đã cởi áo ra trước khi thử món Currywurst, ăn xong anh chỉ chấm điểm 4/10. Thật xúc phạm chủ nhà.
Làm gì để chế giễu ẩm thực của người Anh? Đổ một tách trà xuống? Hay đổ một lon đậu? Không dễ đâu. Có vẻ không dễ dàng để tìm ra món quốc hồn của người Anh.
Mặt khác, hãy dè chừng vì 40% thực phẩm đang tiêu thụ ở Anh được nhập từ các nước EU. Bất kỳ cuộc tấn công nào từ công dân châu Âu vào các món ăn của Anh có thể sẽ dẫn đến tự làm hại mình.
Các ứng viên lớn nhất cho cúp vô địch Euro 2024 là Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Vậy trong cuộc chiến ẩm thực ở Euro 2024, nước nào sẽ vô địch?
75.000 nhân viên của Amazon trên toàn thế giới đã bỏ phiếu chọn món ăn khoái khẩu của họ trong số các món ăn đến từ 24 nước dự Euro 2024. Đứng đầu là món bánh mì thịt Kebab quen thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ. Xếp thứ hai là món đậu trên bánh mì nướng của người Anh với 14% phiếu chọn.
Thứ ba là món mì Spaghetti alla Carbonara của người Ý làm từ mì ống, thịt lợn, trứng, phô mai, muối và hạt tiêu đen bày biện đẹp mắt. Sau khi thắng đội Anh trong trận chung kết Euro 2020, hậu vệ đội Ý ghi bàn trong trận chung kết Bonucci bảo, người Anh muốn thắng trong bóng đá thì nên ăn nhiều Spaghetti vào, ý nói ăn Spaghetti thông minh, mạnh mẽ và nam tính hơn.
Các vị trí tiếp theo là cơm chiên Paella (Tây Ban Nha), bắp cải cuộn nhân thịt Samarle cu mămăligă (Romania), bánh bột lọc Pierogi (Ba Lan). Xếp thứ bảy là món Haggis của Scotland một loại bánh pudding bao gồm gan, tim và phổi của một con cừu được băm nhỏ và trộn với các loại gia vị, rồi nhồi vào dạ dày cừu và hầm chín.
Thứ tám là Sarma của Serbia, tạo thành từ hỗn hợp bắp cải muối, thịt băm và cơm. Thứ chín là Schnitzel của Áo và thứ mười là món súp đậu trắng Fasule của Albania. Bạn thấy không, các món ngon này đều có món gần giống ở Việt Nam, ai đó nói Việt Nam nên là nhà bếp của thế giới cũng có lý. Phải không?
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.