Sự hợp tác giữa CTCP Đầu tư Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai đã bắt đầu được ghi nhận trong báo cáo tài chính từ năm 2016. Được biết, tháng 10/2026, hai bên đã ký Biên bản thỏa thuận ghi nhớ theo đó QCGL sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu của QCG trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiến của QCG cho Sunny Island.
Tuy nhiên biên bản sau đó được thanh lý vào ngày 05/04/2017 do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và hai bên đang trong quá trình đàm phán, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2017.
Dù vậy tại ngày 31/03/2017, QCG đã nhận từ Sunny số tiền tạm ứng là 50 triệu USD. QCG đã sử dụng số tiền này để tất toán nợ vay với BIDV chi nhánh Quang Trung. Đây là khoản vay được dùng để tài trợ cho dự án Phước Kiển và số tiền này sẽ được dùng để cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai khi việc đàm phán và chuyển nhượng được hoàn tất và dự án đủ điều kiện được phép chuyển nhượng.
Đến cuối năm 2017, trên báo cáo tài chính năm, QCG ghi nhận đã nhận 2.882,8 tỷ đồng từ Sunny. Với khoản tiền từ Sunny, QGC đã tất toán hết khoản vay 1.376 tỷ đồng từ BIDV Quang Trung, đưa dư nợ vay tài chính giảm đáng kể trong năm 2017.
Tới năm 2019, QCG cho rằng dự án đã tiến triển qua nhiều giai đoạn với hàng loạt các thủ tục pháp lý thay đổi, dẫn đến một số điều khoản trong hợp đồng không còn phù hợp với tình hình thực tế, do đó hai bên đang đàm phán để có hướng xử lý phù hợp.
Ngày 09/12/2020, QCG bất ngờ nộp đơn khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển. Theo đó QCG yêu cầu Sunny hoàn trả toàn bộ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ đền bù nhận từ BIDV và toàn bộ hồ sơ đền bù theo 06 biên bản giao nhận hồ sơ mà Sunny đang nắm giữ. Vụ án được VIAC thụ lý.
Năm 2021, báo cáo cho biết QCGL tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng hứa mua hứa bán Khu dân cư Bắc Phước Kiển do Sunny Island vi phạm nghĩa vụ thanh toán và chiếm giữ bất hợp pháp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ giải phóng mặt bằng khoảng 65ha đất tại dự án này.
Đáp lại, phía Sunny Island cũng cáo buộc bà Nguyễn Thị Như Loan gian dối về tình trạng pháp lý dự án, gian dối về diện tích đền bù khi ký kết hợp đồng để chiếm đoạt số tiền 2.882 tỷ đồng. Đồng thời đại diện Sunny cũng cho rằng các văn bản chấp thuận cho QCGL làm chủ đầu tư dự án là không đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên tháng 03/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định không khởi tố vụ án theo đơn tố giác của phía Sunny.
Đến giai đoạn này, một số thông tin liên quan tiếp tục được hé lộ. Hợp đồng hứa mua hứa bán ngày 29/03/2017 giữa hai bên có giá trị 14.800 tỷ đồng, phía Sunny sẽ trả theo tiến độ 10 lần. Hợp đồng thể hiện QCGL đã đền bù được khoảng 92% tổng diện tích đất dự án (84,1ha). Sau khi Sunny Island ứng trước 1.150 tỷ tiền để QCG trả nợ ngân hàng thì QCG đã bàn giao cho Sunny toàn bộ giấy chứng nhận và hồ sơ bồi thường 64,8ha của dự án, ít hơn so với diện tích đã bồi thường nêu trong hợp đồng. Sau nhiều lần QCG có văn bản đề nghị, Sunny Island tiếp tục chuyển 1.732,8 tỷ đồng theo tiến độ hợp đồng, QCG đã tiếp tục giao cho Sunny giữ giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và hồ sơ bồi thường dự án với diện tích 9.599m2. Tổng cộng giấy chứng nhận đã giao là 65,76ha, tương đương 71,72% diện tích dự án, trong khi phía Sunny Island thanh toán 2.882,8 tỷ đồng trên tổng giá trị hợp đồng là 14.800 tỷ, tương đương 19,47% giá trị hợp đồng. Theo lộ trình, không chậm hơn ngày 10/09/2027, Sunny Island phải chuyển cho QCGL số tiền 4.8000 tỷ đồng, tuy nhiên Sunny Island không chuyển đủ tiền theo thỏa thuận trong khi giá trị khu đất mà Sunny đang nắm giữ giấy tờ có giá trị cao hơn số tiền đã thanh toán nên QCG đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và gửi đơn kiện lên VIAC.
Tới tháng 05/2023, VIAC mới có phán quyết về vụ kiện, theo phán quyết, QCG đã chấm dứt hợp đồng với Sunny Island đúng theo quy định và buộc Sunny Island phải hoàn trả lại toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng mà Sunny Island đã nhận. Tuy nhiên Sunny Island đã gửi đơn yêu cầu Tòa án nhân dân TP.HCM hủy phán quyết trọng tài đã đưa ra.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của QCG tổ chức vào tháng 6/2923, bà Nguyễn Thị Như Loan khá tự tin với phán quyết này và cho biết, do QCG thực hiện đúng hợp đồng nên chỉ cần trả 50% giá trị Sunny Island đã thanh toán, tức 1.441 tỷ đồng. Số tiền cụ thể còn đang chờ cơ quan điều tra do các giấy tờ hồ sơ đất dự án mà Sunny nắm giữ đang ở Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03).
Đến cuối năm 2023, phán quyết trọng tài được hủy do toàn bộ hồ sơ đền bù 65ha mà trọng tài tuyên buộc Sunny hoàn trả cho QCGL hiện là tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ án xảy ra tại CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đến chiều ngày 11/04/2024, sau nhiều ngày xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên QCGL phải hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 2.882,8 tỷ đồng đã nhận để đảm bảo việc thi hành án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Quốc Cường Gia Lai lấy tiền đâu để trả Trương Mỹ Lan?
Như vậy sau 4 năm kiện cáo, số tiền 2.882,8 tỷ đồng QCGL nhận từ Sunny Island đã được quyết định. Tuy số tiền QCGL phải hoàn trả là 100%, nhiều hơn so với dự tính trước đó, song việc có phán quyết sau nhiều năm kiện cáo kéo dài dường như đã khiến nhà đầu tư hưng phấn. Giao dịch cổ phiếu QCG trên sàn chứng khoán nhộn nhịp hơn khi QCG quay lại tăng trần trong phiên hôm nay (12/04) sau phiên giảm ngày hôm qua.
Dù vậy số tiền 2.882,8 tỷ đã được QCG sử dụng hết cho việc trả nợ và giải phóng mặt bằng dự án. Trong nhiều năm, số tiền này vẫn ghi nhận ở hạng mục Phải trả ngắn hạn trên báo cáo tài chính trong khi tình hình kinh doanh không khả quan, QCG sẽ lấy tiền ở đâu để trả lại?
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của QCG cho thấy, tổng tài sản của doanh nghiệp phố núi này ở mức 9.567 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 7.530 tỷ đồng, chủ yếu đang kẹt tại danh mục hàng tồn kho (7.035 tỷ đồng).
Số tiền phải trả là toàn bộ 2.882,8 tỷ đồng, tương đương 38% tài sản ngắn hạn của công ty. Về lý thuyết, tài sản của QCG đủ để trả được khoản tiền này cho bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, dòng tiền sẵn có của doanh nghiệp không đủ để trả ngay được khoản tiền này, đồng thời nếu thanh lý tài sản cũng cần có thời gian.
Lợi nhuận chưa phân phối của doanh nghiệp cuối năm 2023 là 520 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm thu về không cao, năm 2023 thậm chí QCG chỉ lãi ròng hơn 7 tỷ đồng.
Với tình hình kinh doanh hiện tại thì chi phí lãi vay vẫn đang là gánh nặng với doanh nghiệp này. Năm 2023, chi phí lãi vay đã chiếm hơn 56% lợi nhuận gộp của QCG.
Hồi cuối tháng 3, QCG cũng đã phải chuyển nhượng 31,39% cổ phần tại CTCP Quốc Cường Liên Á với mức giá 150 tỷ đồng.
Trong khi nguồn tiền đang khó khăn, lãnh đạo QCGL lại đang tiếp tục dính đến các vấn đề khác, mới đây là việc bà Như Loan tố cáo hai cá nhân đã nhận tiền đặt cọc chuyển nhượng 125ha đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng thực tế diện tích đất có thể chuyển nhượng chỉ khoảng 16,3ha. Bà Loan đã chuyển cho 2 cá nhân này 130 tỷ đồng nhưng hợp đồng thỏa thuận không thực hiện được.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.