Phiên cuối tuần 17/2 là phiên điều chỉnh thứ 2 của cổ phiếu VNZ sau 11 phiên tăng vùn vụt, lên mức giá đắt nhất lịch sử 1.562.500 đồng/cổ phiếu, từ 240.000 đồng, tức gấp 7 lần so với ngày 31/1 - trước thời điểm ồ ạt tăng trần. Tạm đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/2, cổ phiếu VNZ giảm 15%, tương ứng 215.000 đồng, xuống 1.219.500 đồng/cổ phiếu. Với giá này, VNZ hiện vẫn là cổ phiếu đắt nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Vào cuối phiên sáng, có 7.200 cổ phiếu dư bán sàn, nhưng bên mua trống trơn.
Trước đó, trong phiên ngày 16/2, VNZ đã lần đầu đứt chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp. Kết phiên 16/2, cổ phiếu đắt nhất lịch sử này giảm 4,32% xuống 1,3 triệu đồng/cổ phiếu. Việc giảm giá này khiến vốn hóa của VNG "bốc hơi" hơn 301 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối lượng giao dịch lại cao nhất từ khi lên sàn, đến 10.600 đơn vị. Như vậy, nhà đầu tư đã bạo tay mua hôm qua thì nay đã mất ít nhất 15%.
Pha giảm giá bất ngờ này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi VNZ ra văn bản giải trình lần 2 (15/2) cho việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp tính từ ngày 8/2. Việc giải trình về đà tăng "nóng" của cổ phiếu VNZ thời gian qua, thị trường đánh giá VNG đã đưa ra "văn mẫu" không khác các cổ phiếu khác.
Theo "văn mẫu" giải trình của VNG, giá cổ phiếu VNZ tăng hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. Công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong thời gian qua.
Quan sát cũng cho thấy, trung bình mỗi phiên chỉ có khoảng 80-90 lệnh đặt mua cổ phiếu cùng với khối lượng trung bình vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị. Trong khi bên bán gần như không có.
Từ khi chính thức giao dịch trên UPCoM ngày 5/1/2023 đến 31/1/2023, thị giá VNZ “đứng im” do cổ phiếu không có thanh khoản. Đến phiên 1/2, VNZ mới có lệnh khớp đầu tiên, cũng là phiên bắt đầu chuỗi tăng trần “độc lạ”, với thanh khoản mỗi phiên vỏn vẹn 100 cổ phiếu. Khối lượng giao dịch chỉ bắt đầu thay đổi từ phiên thứ 8, tức ngày 10/2.
VNZ trở thành "siêu cổ phiếu" khi không những phá vỡ kỷ lục thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán, được giữ bởi BMC từ năm 2007, cổ phiếu của kỳ lân công nghệ VNG còn là cổ phiếu đầu tiên trong một phiên tăng trên 130.000 đồng/cổ phiếu. 8 phiên tăng trần liên tiếp đã đưa vốn hóa của VNG đến ngày 15/2 đạt 48.700 tỷ đồng, đưa khối tài sản của nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh tăng lên gần 4.800 tỷ đồng, nhiều lãnh đạo, người lao động doanh nghiệp này trở thành những doanh nhân nghìn tỷ.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta chia sẻ trên truyền thông, bản chất thị trường chứng khoán là cung cầu, phản ánh vào thanh khoản. Với VNZ, cổ phiếu đi lên không có thanh khoản, thì rủi ro cho người mua là không biết bán cho ai.
Chuỗi tăng của cổ phiếu VNZ diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của "kỳ lân" công nghệ đầu tiên của Việt Nam không mấy tươi sáng.
Lũy kế cả năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.800,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước, lỗ sau thuế ở mức kỷ lục 1.315,4 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty này, trong khi năm 2021 chỉ lỗ 71 tỷ đồng.
Kể từ khi lên sàn UpCOM với khối lượng hơn 35 triệu cổ phiếu, thanh khoản của VNZ chỉ khoảng 100-300 cổ phiếu được sang tay mỗi phiên kể từ tháng 2/2023. Số lượng 5.000-6.000 cổ phiếu được sang tay mới diễn ra trong vài phiên từ tuần này. Tức cổ phiếu chủ yếu nằm trong tay cổ đông nước ngoài cũng như lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp.
Năm 2021, Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu của kỳ lân công nghệ VNG, với mức giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu. Trước đó, VNG đã bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1,8 triệu đồng/cổ phiếu cho Temasek, thu về gần 662 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngay sau khi niêm yết lên sàn UpCOM, ngày 10/1/2023 vừa qua, VNZ đã thông qua một số nội dung cụ thể về việc chào bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty Cổ phần Công nghệ BigV, với mức giá 177.800 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 1.264 tỷ đồng. Thời gian dự kiến bán trong năm 2023, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Nếu thương vụ hoàn tất, BiGV cũng có thể ghi nhận khoản lãi kếch xù khi thị giá VNZ đang cao ở vùng ngất ngưởng hơn 1,2 triệu đồng cổ phiếu phiên đóng cửa cuối tuần ngày 17/2.
Ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và nguyên chủ tịch HĐQT tại 1 ngân hàng, bị Viện Kiểm sát đề nghị tổng hình phạt 28-29 năm tù về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.
Bà Nguyễn Thị Thơm, người đã có kinh nghiệm làm việc hơn 13 năm tại Tập đoàn 911, đã trở thành Chủ tịch HĐQT mới tại tập đoàn sau khi Chủ tịch HĐQT Lưu Đình Tuấn từ trần.
Từ ngày 1/1/2025, tất cả các ứng dụng ngân hàng không được có chức năng ghi nhớ mật khẩu đăng nhập tài khoản của người dùng, theo Thông tư 50 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Nhu cầu mua vé máy bay về quê đón Tết của người dân liên tục tăng khiến một số đường bay "vàng" từ TP.HCM đi các địa phương đang khan hiếm vé giá rẻ.
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.