Chương trình khuyến mãi tập trung Shopping Season của TP.HCM chính thức diễn ra từ ngày 15/11 và kéo dài đến hết năm 2022. Đây là chương trình khuyến mãi tập trung lần thứ hai được TP.HCM tổ chức trong năm nay.
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp đăng ký tham gia với gần 4.000 chương trình khuyến mãi. Các doanh nghiệp đăng ký tham gia phủ khắp các lĩnh vực từ thời trang, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, bán lẻ, điện thoại - điện máy… với mức khuyến mãi phổ biến 30-70%, thậm chí một số thương hiệu còn khuyến mãi đến 90-100%. Khuyến mãi 100% được thực hiện thông qua hình thức mua 1 tặng 1.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết Chương trình khuyến mãi tập trung Shopping Season dịp cuối năm này có tên gọi "Rộn ràng mua sắm mùa xuân". Vì vậy, các chương trình khuyến mãi dự kiến tạo sức hút, kích thích người dân tiêu dùng, mua sắm cho dịp cuối năm và Tết.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày 15/11, tại các trung tâm thương mại như Vincom, Takashimaya, Vạn Hạnh Mall, Aeon Mall… không khí của chương trình Shopping Season khá rộn ràng. Các thương hiệu thời trang bắt đầu treo chương trình khuyến mãi. Mức giảm giá từ 50% cộng thêm nhiều ưu đãi khi mua số lượng từ 2 trở lên và thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại các siêu thị, dù không đến mức giảm sâu như tại trung tâm thương mại, nhưng nhiều bà nội trợ cũng cảm thấy vui khi các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, bột ngọt, mì gói, rau củ quả… cũng đều giảm giá.
Đại diện Saigon Co.op cho biết hệ thống có hàng nghìn sản phẩm được giảm giá, nhiều nhất là nhu yếu phẩm, thời trang với mức giảm phổ biến 10 - 40% để hỗ trợ khách hàng trong mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, đơn vị này sẽ tiếp tục nhận đăng ký giảm giá từ các doanh nghiệp tham gia đến cuối tháng 12, kỳ vọng có khoảng 7.500 chương trình khuyến mãi đợt mua sắm này. Dự kiến, sắp tới, các chương trình khuyến mãi tại TP.HCM sẽ nhiều và sâu hơn nữa khi có hàng loạt sự kiện mua sắm như Black Friday, 12/12, Giáng sinh…
Không chỉ TP.HCM, các chương trình khuyến mãi sẽ được đồng loạt diễn ra trên khắp cả nước vào dịp cuối năm để kích thích sức mua, phát triển hoạt động thương mại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Ngày 15/11, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022 do Bộ Công Thương tổ chức chính thức diễn ra trên phạm vi toàn quốc và kéo dài đến ngày 22/12.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định thời gian tới, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ. Tình hình trong nước theo đó sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội, dễ phát sinh những vấn đề khó lường, phức tạp, chưa có tiền lệ.
Theo Thứ trưởng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực nhưng tăng trưởng có khả năng khó khăn hơn trong quý IV/2022 và năm 2023. Do đó, các hoạt động kích thích tiêu dùng trong nước là phù hợp, giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế.
Năm 2022, Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia được chuẩn bị sớm và sự hưởng ứng của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… kỳ vọng đạt tổng mức bán lẻ gấp đôi năm 2021. Năm ngoái, Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia có hơn 56.410 chương trình khuyến mãi, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt khoảng 458.500 tỷ đồng.
Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2022 có nhiều điểm đặc biệt. Tất cả thương nhân thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam đều được tham gia, không cần thông qua bất kỳ khâu lựa chọn, xét chọn nào của các cơ quan nhà nước.
Hoạt động khuyến mãi được thực hiện với mức tối đa, không còn bị giới hạn 50% mà thay vào đó có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn và điều kiện của doanh nghiệp.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết thêm: Trường hợp có dấu hiệu lợi dụng tháng khuyến mãi để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, vi phạm pháp luật sẽ bị kịp thời xử lý. Ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng thời điểm này phải hết sức thông minh lựa chọn chương trình phù hợp để có trải nghiệm tốt và hiệu quả nhất.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.