Giá điện tăng, khách hàng phải trả thêm bao nhiêu tiền?
Minh Tường
12/10/2024 9:24 AM (GMT+7)
Giá bán lẻ điện bình quân mới nhất của Việt Nam là 2.103,1159 đồng/kWh, tăng 4,8% so với trước. Giá điện tăng lần này tác động đến các đối tượng khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) vào ngày 11/10/2024, tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân trước đó.
Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh. Theo EVN, giá điện tăng lần này tác động đến các đối tượng khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm.
Nhóm khách hàng chịu tác động lớn nhất từ giá điện tăng
Đầu tiên trong các nhóm khách hàng của EVN là nhóm ngoài sinh hoạt. Theo tính toán, đơn vị kinh doanh dịch vụ có khoảng 547.000 khách hàng, trước đây trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, khách hàng ở nhóm này sẽ trả thêm khoảng 247.000 đồng mỗi tháng.
Đơn vị sản xuất có 1,921 triệu hộ, trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng. Đây cũng là nhóm khách hàng chịu tác động lớn nhất trong đợt điều chỉnh giá điện lần này.
Đơn vị hành chính sự nghiệp có khoảng 691.000 khách, trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, số tiền phải trả tăng thêm 91.000 đồng/tháng.
Nhóm khách hàng sinh hoạt
Đối với nhóm này, EVN cho biết tỷ lệ sử dụng điện hiện được phân chia theo các bậc thang tiêu thụ, từ thấp đến cao. Với các hộ gia đình sử dụng điện dưới 50 kWh, mức tiền điện phải trả tăng thêm khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng.
Nhóm hộ sử dụng từ 51-100 kWh, mức tiền điện tăng thêm khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng.
Nhóm hộ sử dụng từ 101-200 kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tiền điện tăng thêm khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng.
Nhóm hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh, mức tiền điện tăng thêm khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng.
Nhóm hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh, mức tiền điện tăng thêm khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng.
Nhóm hộ sử dụng điện từ 400 kWh trở lên, mức tiền điện tăng thêm khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.
Hiện nay, tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200 kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương đương 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt. Theo tính toán của EVN, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.
So sánh giá điện các nước trên thế giới
Tháng 3/2024, trang Global Petrol Prices (chuyên theo dõi giá năng lượng, điện toàn cầu) thống kê rằng giá điện trung bình trên thế giới là 0,156 USD cho hộ gia đình và 0,150 USD cho mỗi kWh cho doanh nghiệp.
Theo thống kê này, giá điện hộ gia đình cao nhất là ở châu Âu với mức 0,28 USD/kWh và giá trung bình thấp nhất là ở châu Á với mức 0,082 USD/kWh; Châu Phi là 0,119 USD, Úc là 0,236 USD, Bắc Mỹ (0,142 USD) và Nam Mỹ (0,185 USD).
Giá điện kinh doanh cao nhất cũng ở châu Âu với mức 0,195 USD cho mỗi kWh và giá thấp nhất là ở châu Phi (0,108 USD) và châu Á (0,082 USD). Ở các châu lục khác: Úc (0,205 USD), Bắc Mỹ (0,161 USD) và Nam Mỹ (0,189 USD).
Vào tháng 3/2024, trong số 147 quốc gia, vùng lãnh thổ được Global Petrol Prices thống kê, Việt Nam xếp thứ 43 và xếp vào một trong những nhóm nước có giá điện thấp của thế giới. Theo thống kê này, giá điện của Việt Nam là 0,075 USD/kWh, cao hơn một số nước trong khu vực như Lào và Malaysia nhưng thấp hơn Trung Quốc (0,078 USD), Indonesia (0,092 USD) Thái Lan (0,128 USD), Singapore (0,25 USD).