Ảnh hưởng bởi bão Yagi và lũ lụt, các tỉnh phía Bắc đang bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nhiều nơi bị chia cắt, việc cung ứng hàng hóa gặp khó khăn.
Các nhà sản xuất và đơn vị phân phối đang tăng cường nguồn hàng để nhanh chóng vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thu Quỳnh - Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung của Aeon Việt Nam, cho biết các siêu thị khu vực phía Bắc đã nâng lượng đặt hàng từ nhà cung cấp gấp 2 - 3 lần ngày thường, đặc biệt là với các mặt hàng đồ thiết yếu như gạo, mì tôm, rau củ quả, thịt cá, đồ đông lạnh, sữa các loại.
Theo bà Quỳnh, trong thời gian ngắn hạn, bão có thể gây những ảnh hưởng cục bộ đối với các nhà cung cấp, đặc biệt đối với hàng tươi sống do mưa lớn làm hoa màu bị ngập úng, hoạt động đánh bắt thủy sản cũng bị ảnh hưởng.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn liên tục làm việc với nhà cung cấp, vẫn chuyển rau từ Đà Lạt ra miền Bắc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân. Vì vậy, khách hàng có thể yên tâm mua đủ theo nhu cầu sử dụng, không cần tích trữ, mua gom hàng hóa", bà Quỳnh nói.
Đại diện MM Mega Market cho biết hiện doanh nghiệp đã tăng lên 2 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày, tương đương 16 tấn rau củ quả.
Phía MM dự báo trong 2 tuần, nhu cầu các sản phẩm đồ khô như mì gói, bánh đóng gói; hàng thiết yếu như sữa, nước suối; sản phẩm phi thực phẩm như cồn khô, bình ga mini tăng cao.
“Ngoài ra, trong hôm nay 11/9, chúng tôi cũng sẽ lăn bánh chuyến xe cứu trợ đầu tiên, vận chuyển 1.000 thùng mì và 300 thùng nước khoáng từ Hà Nội lên Lạng Sơn để hỗ trợ người dân vùng lũ”, phía MM cập nhật thêm.
Các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op, Central Retail… cũng đang tăng cường nguồn hàng từ Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc.
Trước tình hình hiện nay, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ký công điện yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường giám sát, quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão để thu lời bất chính.
Cục Quản lý thị trường các tỉnh được yêu cầu triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn.
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tình, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng quản lý, giám sát thị trường ở từng địa phương; phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra các vi phạm liên quan đến găm hàng, nâng giá bất hợp pháp; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
Đã sống chung với ô nhiễm lâu nay, 100 hộ dân trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM vui mừng vì sắp thoát khỏi hoàn cảnh này.
Đại gia bán lẻ Việt này đang tăng tốc mở thêm nhiều điểm bán. Trong cuộc chiến bán lẻ, gần đây, doanh nghiệp này có thêm nhiều chuyển biến mới để đấu lại các “ông lớn” ngoại đến từ Thái Lan, Nhật Bản.
Vietcombank (VCB) nắm giữ 4,51% vốn điều lệ của Eximbank trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại EIB sau tập đoàn đa ngành Gelex.
Thị trường văn phòng cho thuê ở TP.HCM dù được bổ sung nguồn cung dồi dào trong quý 3 năm nay nhưng đà tăng giá thuê vẫn chưa ngừng lại.
Không ít ngân hàng đã đạt lợi nhuận khá tích cực trong 9 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, ngược với đà tăng trưởng đó, cũng có nhà băng cho thấy xu hướng đi lùi.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ phải huy động số tiền cao kỷ lục để giúp các nước thu nhập thấp, những nơi bị thiên tai và các nước không đủ lương thực cho người dân.