Thứ bảy, 31/08/2024

Thép nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường nội địa, thép Việt chờ 'giải cứu'

18/07/2024 7:21 AM (GMT+7)

Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập có thời điểm gấp gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu.

Thép nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường nội địa, thép Việt chờ 'giải cứu'- Ảnh 1.

Thép sau khi được nấu chảy tạo ra phôi. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Thép nhập khẩu giá rẻ tiếp tục tràn vào thị trường nội địa với con số tăng cao đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước lo lắng. Các ý kiến chuyên gia cho rằng với mức nhập khẩu bằng 151% sản xuất trong nước, nếu không sớm có biện pháp phòng vệ hợp lý thì việc mất thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguy cơ mất thị trường

Theo dữ liệu hải quan, tính riêng tháng Sáu, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước; trong đó lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước; trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...

Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Về giá HRC nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn mức giá chào hàng trong nước khoảng 15-20 USD/tấn và thấp hơn các quốc gia khác từ 45-108 USD/tấn.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay nhu cầu thép cán nóng tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn.

Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập có thời điểm gấp gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép cán nóng của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu. Thị phần bán hàng HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát và Formosa giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023 và hiện đang tiếp tục suy giảm.

Điều này khiến cho doanh nghiệp không khai thác được hết công suất thiết kế do phải cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá.

Thép nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường nội địa, thép Việt chờ 'giải cứu'- Ảnh 2.

Kiểm tra chất lượng thép thành phẩm. (Nguồn: TTXVN)

Trong năm 2023, sản xuất của doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng của Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế, giảm mạnh so với mức 86% của năm 2021. Trong khi đó, năm 2023, lượng thép HRC nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước.

"Lượng thép HRC nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh, gấp 1,7 lần sản xuất trong nước, đây là điều đáng báo động," đại diện VSA nhận định.

Theo ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trước đây, Việt Nam không làm được thép cán nóng vì vốn đầu tư quá lớn và công nghệ yêu cầu rất cao, nhưng hiện Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát đã đầu tư vào sản xuất được mặt hàng này.

"Khi chưa làm được thép cán nóng thì việc phải nhập khẩu là đương nhiên, nhưng hiện nay chúng ta đã sản xuất được và sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên dòng hàng này vẫn tràn vào với số lượng lớn, đặc biệt thời gian gần đây có dấu hiệu bán dưới giá thành thì cần phải cân nhắc, bởi sẽ tác động lớn tới sản xuất trong nước, mất thị trường," ông Phan Đăng Tuất nói.

"Rắn" hơn trong phòng vệ

Trước tình trạng nhập khẩu thép cuộn cán nóng ồ ạt với giá rẻ, các doanh nghiệp và chuyên gia cũng cho rằng các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật, đồng thời có biện pháp phòng vệ hợp lý, từ đó, ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, bày tỏ Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chiến lược Phát triển Công nghiệp Thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, gắn với các chính sách đặc thù cho ngành thép tăng trưởng xanh và bền vững. VSA đề nghị Bộ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại đối sản xuất thép ở nước ngoài.

Thép nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường nội địa, thép Việt chờ 'giải cứu'- Ảnh 3.

Công nhân bên lò luyện thép. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Mới đây, đại diện Bộ Tài chính cũng đã đồng tình với ý kiến của Hiệp hội Thép Việt Nam về việc cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đối với thuế xuất nhập khẩu điều chỉnh theo hướng tăng dần, đầu vào ở mức thấp còn với các sản phẩm tinh hơn sẽ áp thuế cao hơn góp phần tạo ra rào cản pháp lý bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay qua theo dõi, tất cả các vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép thì chưa có vụ nào bị từ chối áp dụng biện pháp thương mại. Đến nay, Trung tâm cũng chưa nhận được thông tin phản hồi từ các đối tác, thành viên khác của WTO về việc Việt Nam áp dụng chưa đúng hay chưa đảm bảo những yêu cầu của WTO.

Báo cáo của Trung tâm này cho hay riêng tại Việt Nam, đã có 12/28 vụ phòng vệ thương mại là đối với các sản phẩm thép, chiếm khoảng 46% tổng các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam cho đến nay. Trong khi đó, các nước đã đưa ra 73 vụ phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu Việt Nam. Điều đó cho thấy các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường của họ.

Vì thế, bà Trang cho rằng cần lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng. Mặt khác, xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, phía Bộ Công Thương cho hay đang thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp trong nước đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Thời gian thẩm định theo quy định là 45 ngày kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ (14/6/2024).

Bộ Công Thương cho biết công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước. Thực tế, thời gian qua, hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất, nhiều nhất là ngành thép.

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm. Mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu...

Theo Vietnamplus

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Kiều bào dạy con: Đi đâu cũng phải nhớ về quê hương

Kiều bào dạy con: Đi đâu cũng phải nhớ về quê hương

Kiều bào gốc Việt không bao giờ quên quê hương. Tình cảm của những người con xa quê dành cho đất mẹ Việt Nam được thể hiện sinh động tại buổi họp mặt kiều bào chào mừng Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (2/9) được Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức ngày 31/8.

Siêu thị, cửa hàng tung khuyến mãi đậm, mua 1 tặng 1 dịp lễ 2/9

Siêu thị, cửa hàng tung khuyến mãi đậm, mua 1 tặng 1 dịp lễ 2/9

Các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM tung hàng loạt khuyến mãi, chương trình giảm giá dành cho khách hàng dịp lễ 2/9.

Sự cần thiết của bản đồ số trong kích cầu du lịch

Sự cần thiết của bản đồ số trong kích cầu du lịch

Hiện bản đồ tương tác thông minh có thể cập nhật các địa điểm, di sản nổi tiếng ở mỗi quốc gia, địa phương. Với sự trợ giúp của công nghệ, những bản đồ số này mang lại trải nghiệm khám phá và tương tác thực tế cho người dùng…

'Kẻ khóc người cười' trước việc giảm lệ phí trước bạ: Người 'vỡ òa' khi tiết kiệm gần 60 triệu, người 'hụt hẫng' vuột mất

'Kẻ khóc người cười' trước việc giảm lệ phí trước bạ: Người 'vỡ òa' khi tiết kiệm gần 60 triệu, người 'hụt hẫng' vuột mất

Sau khi có thông tin chính thức về việc giảm lệ phí trước bạ trong 3 tháng, một bộ phận người tiêu dùng xuất hiện những phản ứng trái chiều. Người thì sung sướng vì "đã không bõ công chờ", người tiếc hùi hụi vì đã lỡ làm xong các thủ tục.

Lái tàu người Việt chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 TP.HCM

Lái tàu người Việt chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 TP.HCM

Đây là lần đầu tiên các kỹ thuật viên lái tàu người Việt Nam trực tiếp vận hành đoàn tàu metro số 1 trên toàn tuyến dưới sự giám sát của các chuyên gia Nhật Bản.

Chính phủ yêu cầu sớm chọn phương án mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành

Chính phủ yêu cầu sớm chọn phương án mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 3 bộ khẩn trương chuẩn bị báo cáo Thường trực Chính phủ để sớm quyết định phương án mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành