Hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm là số tiền TP.HCM dự kiến thu được khi thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Số tiền này bằng tổng vốn thành phố thực hiện dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại Thủ Thiêm.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - đơn vị thực hiện dự thảo đề án - ngoài các lợi ích về nguồn thu ngân sách, việc thu phí còn được kỳ vọng làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã tồn tại thời gian dài và góp phần chỉnh trang diện mạo đô thị. Vấn đề cấp phép, thu phí các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại vỉa hè, lòng đường đã được TP.HCM đề cập tới trong các quy định từ năm 2008, nhưng đến nay, việc này vẫn chưa thể đi vào thực tế.
Các chuyên gia về quy hoạch, đô thị cho rằng, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè là điều cần thiết và gần như bắt buộc đối với TP.HCM trong tình thế hiện tại. Nhưng, để làm được điều đó, địa phương này không thể nóng vội mà cần sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng hơn so với bản dự thảo đề án vừa đưa ra lấy ý kiến.
Chia sẻ về vấn đề thu phí lòng đường, hè phố tại TP.HCM, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, bày tỏ, quan điểm "vỉa hè là của người đi bộ" không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thay vào đó, TP.HCM cần tiếp cận khái niệm vỉa hè đa năng, tức vỉa hè không chỉ có một công năng đi bộ.
Vị chuyên gia cho rằng, khái niệm này là điều bắt buộc đối với thực tiễn của TP.HCM. Hiện tại, nhu cầu mưu sinh, phát triển kinh tế - xã hội cần đặt cao hơn nhu cầu của người đi bộ.
"Về trực quan, hãy nhìn vỉa hè các nơi, thực tế số người đi bộ vô cùng ít. Còn về số liệu, trung bình cứ 2 người dân TP.HCM sẽ có một xe máy, chưa nói đến xe hơi và các phương tiện khác. Điều đó cho thấy nhu cầu đi bộ của người dân rất hạn chế", vị chuyên gia dẫn chứng.
TS Nguyễn Hữu Nguyên thông tin, nhu cầu đi bộ của người dân TP.HCM là có, nhưng chỉ đi ở cự ly ngắn và những khu vực nhất định để tham quan, mua sắm. Với cự ly xa hơn, xe máy vẫn là lựa chọn chủ yếu, đặc biệt là khi cần mang vác theo đồ đạc.
"Không phải họ lười đi bộ, vấn đề là thời gian và sức lực bỏ ra. Trong kinh tế học và thực tế đã chứng minh, thời gian là tiền bạc. Trong nền kinh tế hiện nay, ai cũng muốn tiết kiệm thời gian", vị chuyên gia phân tích.
Đưa ra góc nhìn khác tại buổi phản biện đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Minh Sáu (Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh) cho rằng, nhiều người dân còn chưa đồng tình và nghi ngại việc lấn chiếm lòng đường, hè phố sẽ trầm trọng hơn. Bởi khi thu phí, cơ quan quản lý sẽ khẳng định vỉa hè, lòng đường được sử dụng cho mục đích khác ngoài giao thông.
"Thu các khoản này là khả thi, song có thể nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Không nên quy định thu phí mà cần trả lại đúng vị trí của lòng đường, hè phố", đại diện người dân quận Bình Thạnh chia sẻ.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trung bình 38m đường trên địa bàn có 1 người bán hàng rong, tỷ lệ người bán đồ ăn uống chiếm đa số. Chiều rộng sử dụng của hàng rong cố định là 1,5m và hàng rong di động là nhỏ hơn hoặc bằng 1m.
Trong đó, 61% hàng rong cố định và 36% hàng rong di động đồng ý đăng ký sử dụng hè phố. Nhiều người bán hàng rong cố định muốn việc kinh doanh, buôn bán của họ được ổn định thông qua sự quản lý của chính quyền địa phương.
TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, để bản đề án đi vào thực tế, cơ quan soạn thảo cần làm rõ các thứ tự ưu tiên trong việc cấp phép sử dụng, thu phí lòng đường, vỉa hè. Trong thứ tự đó, vấn đề mưu sinh của người nghèo cần được xếp hàng đầu tiên và nhu cầu đi bộ sẽ xếp cuối cùng.
Ngoài ra, những hộ có mặt tiền, kinh doanh lớn và sử dụng cả hè phố thì phải tính phí cao hơn vì họ có lợi ích gấp đôi. Việc thu phí cao hơn sẽ bù đắp cho những người nghèo, những gánh hàng rong trên hè phố.
"Tôi từng xem qua đoạn phóng sự truyền hình về một bà bán rong trên vỉa hè. Nếu một ngày không kiếm đủ tiền, gia đình sẽ phải chịu đói. Với những hộ kinh doanh lớn, có ai phàn nàn nếu không có vỉa hè sẽ mất việc, sẽ đói không? Áp lực của 2 đối tượng này hoàn toàn khác nhau", vị chuyên gia nêu suy nghĩ.
Mặt khác, TS Nguyên cũng phân tích, nếu vỉa hè chưa được thông thoáng sẽ khiến người đi bộ không thoải mái, khó chịu nhưng không ảnh hưởng đến vấn đề thu nhập để nuôi gia đình. Khi nhìn từ khía cạnh này, các cơ quan sẽ rõ được việc sử dụng lòng đường, hè phố cần ưu tiên cho những đối tượng nào.
"Muốn thu được phí thì đầu tiên phải có vỉa hè để thu, có vỉa hè rồi thì mới phân bổ theo quyền lợi ưu tiên các nhóm đối tượng. Do đó, cơ quan nghiên cứu, chủ trì đề án cần có những nghiên cứu, phân tích, vạch ra sơ đồ, kịch bản rất cụ thể để biết đặt đối tượng nào lên trên, đối tượng nào xuống dưới, đặt cái nào bên phải, đặt cái gì sang bên trái", TS Nguyễn Hữu Nguyên nêu quan điểm.
Theo bản đề án, mức thu phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ các phương tiện giao thông cao nhất là 350.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 50.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cao nhất là 100.000 đồng/m2/tháng, thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng.
Trong đó, mức thu cao nhất được áp dụng cho khu vực các quận trung tâm, có giá đất trung bình ở mức cao như quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Các chuyên gia cho rằng, việc quy định mức thu này còn khá chung chung và chưa căn cứ trên đặc điểm của từng khu vực, từng tuyến đường.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP.HCM, thông tin, việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố đã được các nước lân cận áp dụng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore. Các đô thị này đưa ra mức thu phí dựa trên nhiều dữ liệu.
"Đầu tiên là cần căn cứ trên địa điểm. Địa điểm đó có bán hàng được không, có sầm uất không. Tiếp theo là căn cứ mức độ doanh thu của cơ sở sử dụng trong vòng 3 tháng và tiếp theo là diện tích", ông Hòa chia sẻ.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, để đưa được ra mức giá thuê phù hợp, TP.HCM cần có một cuộc điều tra xã hội học rất kỹ. Một đội điều tra cần được hình thành để thu thập thông tin của từng khu vực, tuyến đường, từng cơ sở bán gì, bán trong thời gian nào và doanh thu là bao nhiêu.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhắc tới vấn đề địa kinh tế trong việc tính phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Ông cho rằng, mỗi con đường, tuyến đường, căn nhà đều có giá khác nhau, nên vỉa hè của từng nơi cũng cần có mức phí khác nhau.
"Vị trí vỉa hè, lòng đường cho thuê ở quận nào, thuận tiện buôn bán hay không, ngay cả đường một chiều hay hai chiều cũng cần tính toán. Những mức giá trong bản dự thảo đề án còn rất chung chung", TS Nguyên nhìn nhận.
Đối với bài học của các nước trong quản lý người bán hàng rong trên đường phố, TS Nguyễn Minh Hòa dẫn chứng mô hình của Thái Lan đang áp dụng. Toàn bộ người bán hàng rong tại Bangkok cần đăng ký về loại hàng kinh doanh, học qua các lớp kỹ năng và được quy định cụ thể về thời gian, địa điểm được hoạt động.
"Họ kẻ ô cho các xe bán hàng rong, giá thuê một tháng khoảng 2.000 bath (hơn 1,3 triệu đồng). Và những người bán hàng rong được quy định chỉ được bán ở chỗ này một giờ, chỗ kia một giờ, chứ không được đi buôn bán tự do", TS Hòa thông tin.
Trong cách thức quản lý, tất cả người bán hàng rong tại Bangkok cần cài phần mềm định vị trên điện thoại, có mã số định danh. Khi vắng mặt cần báo cáo lại để phục vụ công tác tính thời gian, tính thuế. Đội quản lý trực tiếp sẽ chỉ có mặt khi có vấn đề phát sinh.
"Tóm lại, tôi cho rằng thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè là điều nên làm. Tuy nhiên, TP.HCM chỉ nên làm ở một số đoạn đường có đủ điều kiện để thí điểm, sau đó mới rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đặc biệt, đã làm thì cần làm tới nơi tới trốn, nếu không sẽ rất khó để sửa chữa sau này", ông Hòa chỉ rõ.
TS Nguyễn Hữu Nguyên đề cập tới chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè tại quận 1 (TP.HCM) hồi năm 2017 và nhấn mạnh, đây là bài học "không bao giờ được quên" đối với thành phố. Theo vị chuyên gia, thời điểm đó, các cơ quan quản lý đã áp dụng kế hoạch ngắn hạn cho một việc cần thời gian trung hạn và dài hạn mới có thể thành công.
Quay lại với dự định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè tại TP.HCM, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, thành phố cần sự chuẩn bị cặn kẽ, đầy đủ và cần một công trình nghiên cứu khoa học "rất khó" về quy hoạch vỉa hè. Việc này nhằm đạt được sự cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan, và sâu xa hơn là để người dân có lòng tin đối với các chính sách mà địa phương đưa ra.
"Giống như những người thợ may, nếu may một chiếc áo từ một mảnh vải sẽ dễ dàng hơn là sửa lại chiếc áo đã hỏng chỗ này, hư chỗ kia. Trong vấn đề này, dù chậm một chút nhưng hiệu quả cao, còn hơn là nóng vội và phát sinh những tiêu cực không thể sửa chữa được", TS Nguyễn Hữu Nguyên nêu suy nghĩ.
Ảnh: Q.Huy, Hải Long, Nguyễn Vy
Đồ họa: Tuấn Huy
Theo Dân trí
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.