Theo Cục Du lịch Quốc gia, ước tính trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa. Trong số này có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú. Số khách lưu trú Tết Giáp Thìn tăng mạnh đến 75% so với Tết 2023.
TP.HCM là địa phương đón lượt khách du lịch kỷ lục dịp Tết này, với 1,8 triệu lượt khách nội địa. Điểm nhấn đáng chú ý là khách quốc tế đến TP.HCM dịp này cũng tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước, với khoảng 75.000 lượt. Doanh thu du lịch dịp này ước đạt khoảng 6.550 tỷ đồng.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, khách quốc tế đến TP tăng cao, đặc biệt là khách tàu biển - dòng khách du lịch cao cấp đến từ châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật… và khách đi du lịch tự túc.
Các công ty lữ hành tại TP.HCM đã ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút khách như Xuân về trên bến Bình Đông, Hái lộc đầu năm, Quận 1 - Sắc màu đêm, Thưởng ngoạn sông Sài Gòn bằng buýt sông 2 tầng, Tour xe đạp - Ngày bình yên trên vùng đất thép, Cần Giờ - Lắng nghe hơi thở của rừng…
Du khách quốc tế rất thích thú, bất ngờ khi được trải nghiệm Tết Nguyên đán tại Việt Nam, đồng thời cũng bày tỏ sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ của cơ sở kinh doanh trong dịp Tết.
Một loạt địa điểm du lịch nổi tiếng của cả nước Tết này cũng có lượng khách tăng kỷ lục. Trong đó, Hà Nội đón 653.000 lượt khách, tăng trên 21% so với Tết 2023. Tổng thu từ khách du lịch của thủ đô dịp Tết Giáp Thìn đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1%.
Quảng Ninh đón và phục vụ 803.570 lượt khách, tăng đến 56%. Thanh Hóa cũng ước đón và phục vụ 635.000 lượt khách, với doanh thu ước 588 tỷ đồng.
Đà Nẵng ước đón và phục vụ 402.000 lượt khách, với thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.580 tỷ đồng.
10,5 triệu khách đã đi du lịch trong 7 ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: P. Minh
Nổi lên dịp Tết Giáp Thìn là du lịch Tây Ninh, ước đón và phục vụ 520.720 lượt khách, thu từ khách du lịch của địa phương này ước đạt 376 tỷ đồng, tăng 55% so với Tết 2023.
Khánh Hòa ước đón và phục vụ 630.300 lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước gần 878 tỷ đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đón và phục vụ 592.650 lượt khách, doanh thu trên 409 tỷ đồng.
Ninh Bình, Bình Thuận, Quảng Nam, Kiên Giang, Hà Giang… cũng có lượng khách tham quan, lưu trú tăng mạnh từ 10-gần 70%.
Đáng chú ý, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều địa phương đón khách nước ngoài đến du lịch, nghỉ dưỡng tăng gấp nhiều lần so với Tết 2023. Trong đó, Đà Nẵng đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với Tết 2023; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Kiên Giang ước đón 44.370 lượt, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023…
Cục Du lịch nhận định số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng so với dịp Tết Dương lịch 2024 và cùng kỳ năm 2023 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp.
Dịp Tết Nguyên đán 2024, các đơn vị lữ hành lớn như Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Du lịch Việt, Benthanhtourist, Transviet… đã xây dựng nhiều chương trình tour mới cả trong và ngoài nước, với nhiều chương trình, hình thức khuyến mại hấp dẫn; trong đó tập trung nổi bật ưu thế vùng miền, liên kết phát triển theo định hướng "một cung đường, nhiều điểm đến".
Đáng chú ý, các tỉnh có ưu thế cảng biển quốc tế đã tổ chức đón khách du lịch tàu biển trong dịp Tết Nguyên đán 2024 như Quảng Ninh đón tàu Zhao Shang Yi Dun với 600 khách Trung Quốc; Đà Nẵng đón tàu Zhao Shang Yi Dun và Dream Cruise với khoảng 3.400 khách; TP.HCM đón tàu Europa, Seabourn Encore, Celebrity Cruises với hàng nghìn lượt khách đa quốc tịch… Những tín hiệu tích cực từ du lịch tàu biển cho thấy một năm phục hồi nhiều khởi sắc của dòng khách quốc tế quan trọng này, trong đó có khách từ thị trường truyền thống Trung Quốc.
Các hãng hàng không tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường thêm chuyến bay phục vụ nhu cầu của du khách và người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Thông kê sơ bộ trong dịp Tết Giáp Thìn, các hãng hàng không ước cung ứng khoảng 5,5 triệu vé trên toàn mạng bay nội địa, tăng 69% so với ngày thường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.