Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên: Chứng minh chất lượng nông sản - Nền tảng để tiếp cận thị trường toàn cầu
01/01/2025 10:33 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2024 vào ngày 31/12, trả lời câu hỏi của đại biểu trong tháo gỡ xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định cần chứng minh chất lượng nông sản, đó là nền tảng để tiếp cận thị trường toàn cầu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu trong tháo gỡ xuất khẩu nông lâm thủy sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định:
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 62 tỷ USD, mức rất kỷ lục. Cái quan trọng là "số tiền xuất khẩu này đều vào túi của người dân". Hiện chúng ta có 20 Hiệp định tự do đã ký kết, nếu thực thi hết 20 hiệp định.. chúng ta sẽ đưa được rất nhiều sản phẩm vào các thị trường này. Đặc biệt là sản phẩm của chúng ta có thương hiệu nhiệt đới, sản phẩm chúng ta xuất thô nên tiềm năng rất lớn.
"Tôi rất đồng tình với các đại biểu, để làm được các điều này, đầu tiên là quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn có chất lượng cao.
Không ai khác là chính quyền địa phương, xưa có tổ đội nhưng nay HTX chỉ làm dịch vụ nên chúng ta phải có bàn tay của chính quyền địa phương để quy hoạch, áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm... Chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, thì phải có các doanh nghiệp.
Thứ 3 tiếp đến là hỗ trợ tiếp cận thị trường, thị trường nội địa có dư địa rất lớn. Để sản phẩm tiếp cận được thị trường trong nước, chúng ta cũng phải chứng minh được chất lượng của mình trước. Chúng tôi đã có chiến lược tiếp cận thị trường trong nước phải đặt lên hàng đầu, Sau đó là tiếp cận các thị trường thế giới", Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Chúng ta cần tiếp cận thị trường theo hướng mà họ cần, chứ không phải những gì ta có. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tổ chức đưa khách hàng khắp nơi trên thế giới về các tỉnh, địa phương để du khách tìm hiểu rõ về các sản phẩm và để tạo kích cầu, tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương. Hiện, chúng tôi có 90 cơ quan thương vụ tại các nước để gỡ khó cho các vụ kiện thương mại.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong các hiệp định, chúng tôi có sổ tay, chương trình quảng bá trên truyền hình...
Hiện, chúng tôi đang bố trí 40% kinh phí xúc tiến thương mại dùng cho xúc tiến nông nghiệp. Sắp tới chúng tôi sẽ nâng gói này lên để các doanh nghiệp mang hàng ra thế giới đạt hiệu quả cao hơn, thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, sắp tới chúng tôi cũng sẽ xây dựng dữ liệu khu vực dùng chung để các đơn vị, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn.
Chúng tôi cũng khuyến cáo các địa phương gắn phát triển sản xuất gắn với thương mại và du lịch sinh thái để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững gắn theo chuỗi giá trị".
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đây là vấn đề quan trọng, không chỉ có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành mà các cấp ủy chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để triển khai hiệu quả hơn.