Thứ bảy, 16/11/2024

Cái khó của xe điện ở Đông Nam Á

02/07/2023 8:00 AM (GMT+7)

Tỷ lệ xe điện tại Đông Nam Á hiện nay chưa đáng kể, nhưng sự quan tâm ngày càng tăng đối với xe điện trong khu vực hứa hẹn sẽ thúc đẩy hơn nữa tiềm năng chuyển đổi xanh.

.

Cái khó của xe điện ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Xe hai và ba bánh - từ xe máy đến xe tuk tuk, chiếm khoảng 80% tổng số phương tiện ở Đông Nam Á. Đồng thời, sự tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu ôtô, phần lớn do hạ tầng giao thông công cộng kém, đã góp phần làm tăng ô nhiễm không khí trong khu vực.

Điều này có nghĩa quá trình chuyển đổi xe điện tại Đông Nam Á sẽ khác rất nhiều so với Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Hơn nữa, khu vực có nhiều tiềm năng chuyển đổi phương tiện xanh khi tỷ lệ sở hữu phương tiện trên đầu người vẫn còn tương đối thấp.

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với xe điện ở Đông Nam Á là một phần của xu hướng toàn cầu, được thúc đẩy bởi nhu cầu kiểm soát lượng khí thải CO2. Đồng thời, các quốc gia trong khu vực muốn nắm bắt thị trường xe điện mới nổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đông Nam Á đang nổi lên như một thị trường tiềm năng và trung tâm sản xuất xe điện. Việc đẩy nhanh áp dụng xe điện sẽ giúp khu vực đuổi kịp mục tiêu phát thải ròng bằng 0, cũng như thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới.

Trở ngại cơ sở hạ tầng

Xe điện và xe hybrid chiếm 18% doanh số bán ôtô toàn cầu năm 2022 nhưng phân bố không đồng đều. Doanh số xe điện chủ yếu đến từ thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, trong khi xe điện chiếm chưa đến 2% doanh số bán hàng tại Đông Nam Á, theo Counterpoint.

Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng thị trường xe điện ở Đông Nam Á tương đối chậm hơn so với các khu vực khác.

Việc thiếu hạ tầng sạc bên ngoài trung tâm đô thị đã kìm hãm đà tăng trưởng xe điện trong khu vực, bởi một trong những mối lo của người dùng Đông Nam Á là phạm vi hoạt động.

Hành trình trên một chiếc xe điện sẽ đặt lái xe vào tình huống khó xử khi không thể biết mình đi được tối đa bao xa sau 1 lần sạc. Xe điện cần phải hoàn thiện hơn nữa để mang lại trải nghiệm nhất quán và hài lòng ngang bằng với mua một chiếc xe xăng.

Cái khó của xe điện ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

Xe điện Good Cat by Ora, một thương hiệu của Great Wall Motors, được trưng bày tại triển lãm ôtô quốc tế Bangkok. Ảnh: Reuters.

Khảo sát của Milieu năm 2021 cho thấy phần lớn khách hàng Đông Nam Á không cân nhắc mua xe điện là bởi có quá ít trạm sạc. Đơn cử như Indonesia - quốc gia quần đảo gồm hàng nghìn hòn đảo nhỏ, việc mở rộng hạ tầng sạc được xem là thách thức lớn.

“Hầu hết cư dân thành phố lớn tại Đông Nam Á sống trong những căn hộ cao tầng, do đó họ sẽ lo lắng về khả năng tiếp cận trạm sạc trong bãi đậu xe chung cư, hoặc thậm chí tại các bãi đậu xe công cộng. Nếu tỷ lệ sở hữu xe điện tăng lên, lưới điện địa phương cũng khó hỗ trợ sạc nhiều ôtô cùng lúc”, Siddhant Gupta, phó chủ tịch Hexagon, nhận định.

“Các chính phủ ở Đông Nam Á cần suy nghĩ về 2 vấn đề chính - mở rộng hạ tầng sạc và đảm bảo năng lượng lưới điện xanh”, ông Gupta nói thêm.

Hơn nữa, xe điện vẫn là một mặt hàng xa xỉ ở Đông Nam Á cũng như trên toàn cầu. Chi phí mua xe điện cao hơn so với xe động cơ đốt trong đã ngăn cản nhiều chủ xe thực hiện chuyển đổi.

Tích cực thúc đẩy phương tiện xanh

Dù tụt hậu so với nhiều khu vực khác trên thế giới, các quốc gia Đông Nam Á vẫn đang tích cực thúc đẩy việc sử dụng và sản xuất xe điện để giảm lượng khí thải carbon, đồng thời thu hút nhiều đầu tư và cơ hội việc làm bằng những ưu đãi chính phủ.

“Các nước Đông Nam Á đã đặt ra các mục tiêu xe điện tham vọng, đưa ra nhiều ưu đãi thúc đẩy người tiêu dùng mua xe điện và thu hút các nhà sản xuất xe điện xây dựng nhà máy tại đây”, Abhilash Gupta, nhà phân tích tại Counterpoint, nhận xét.

Thái Lan là nước áp đảo về lượng xe điện bán ra, chiếm 58% doanh số năm 2022 của cả khu vực, tiếp theo là Indonesia và Việt Nam. VinFast dẫn đầu doanh số bán ôtô điện Đông Nam Á, theo sát là Wuling và Volvo.

Cái khó của xe điện ở Đông Nam Á - Ảnh 3.

Tỷ lệ doanh số xe điện khu vực Đông Nam Á năm 2022. Đồ họa: Counterpoint. Việt hóa: Tuấn Đạt.

Benedict Eijbergen, giám đốc vận tải khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tại Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết doanh số xe máy điện trong khu vực cao hơn ôtô điện, chiếm khoảng 8% tổng doanh số bán xe tại thị trường, dẫn đầu là Việt Nam vào năm 2020.

Để thúc đẩy nhu cầu trong nước, các quốc gia trong khu vực đã đưa ra các khoản trợ cấp để hỗ trợ người mua, cung cấp ưu đãi hoặc giảm thuế cho các nhà sản xuất ôtô. Cơ sở hạ tầng sạc điện phổ biến và nhiều lựa chọn xe điện cũng sẽ giúp tăng nhu cầu xe điện trong khu vực.

Tháng 2/2022, chính phủ Thái Lan thông báo cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện nhập khẩu từ 8% xuống 2%, đồng thời hạn chế 20-40% thuế nhập khẩu xe điện nguyên chiếc. Xứ sở chùa Vàng đặt lộ trình xây dựng 12.000 trạm sạc nhanh vào năm 2030 và 36.500 trạm vào năm 2035.

Cái khó của xe điện ở Đông Nam Á - Ảnh 4.

Top 5 xe điện bán chạy nhất Đông Nam Á năm 2022. Đồ họa: Counterpoint. Việt hóa: Tuấn Đạt.

Chính quyền Indonesia miễn thuế tiêu thụ hàng xa xỉ đối với xe điện và đang xem xét cắt giảm thuế giá trị gia tăng từ 11% xuống 1%, có kế hoạch xây dựng 31.000 trạm sạc vào năm 2030.

Chủ sở hữu xe điện tại Malaysia được miễn thuế đường bộ và có thể xin miễn thuế cá nhân lên đến 2.500 ringgit (535 USD) đến cuối năm 2023 cho các chi phí liên quan đến phần cứng và dịch vụ sạc xe.

Việt Nam áp dụng chính sách miễn lệ phí trước bạ cho riêng ô tô điện trong 3 năm kể từ ngày 1/3/2022. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe điện cũng được giảm lên tới 12%.

Tương lai đầy hứa hẹn

Trong những năm tới, các nước Đông Nam Á sẽ cố gắng định vị mình là trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực và hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Một nghiên cứu của ISEAS cho thấy Thái Lan đang dẫn đầu sự chuyển đổi xe điện, theo sát là Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Đây là lúc các nước Đông Nam Á có cơ hội đón đầu xu thế và thể hiện năng lực sản xuất. Những doanh nghiệp gia nhập thị trường xe điện sớm sẽ có lợi thế, cho phép sở hữu thị phần đáng kể trên thị trường.

Thái Lan được coi là thủ phủ sản xuất ôtô của Đông Nam Á, đang nổi lên như chiến trường cạnh tranh giữa các hãng xe điện Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Với chuyên môn sản xuất có sẵn, Thái Lan đang đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp xe điện.

Huyndai đã bắt đầu sản xuất xe điện tại đây từ năm 2022. Hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD ngày 10/3 đã khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên tại Thái Lan. Nhà máy dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2024 với công suất hàng năm là 150.000 xe.

Các nhà sản xuất Nhật Bản đang tận dụng ưu đãi chính phủ để mở rộng và tăng sản lượng tại Thái Lan và Malaysia, đặc biệt là xe hybrid. Trong khi đó, Indonesia sử dụng lợi thế tài nguyên thiên nhiên để thu hút đầu tư.

Theo Zing

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Ngành công thương hào hứng với thương mại điện tử, kinh tế số

Ngành công thương hào hứng với thương mại điện tử, kinh tế số

Thương mại điện tử và kinh tế số là trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển ngành công thương tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030. Diễn đàn cho lĩnh vực này của Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa cho trụ cột này.

Cổ phiếu TNA bị hủy niêm yết trên HoSE

Cổ phiếu TNA bị hủy niêm yết trên HoSE

Cổ phiếu TNA của CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (trụ sở tại TP.HCM) sẽ không còn niêm yết trên HoSE từ ngày 19/11/2024.

Vàng giảm sức hấp dẫn, Hội đồng Vàng Thế giới tin vào dài hạn

Vàng giảm sức hấp dẫn, Hội đồng Vàng Thế giới tin vào dài hạn

Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.

Số tiền trung bình mỗi lần chốt đơn thương mại điện tử

Số tiền trung bình mỗi lần chốt đơn thương mại điện tử

Nhóm khách hàng 29 - 44 tuổi ngày càng thích mua sắm online những sản phẩm cao cấp; trung bình họ mua 1 - 3 lần/tuần và mỗi lần lên tới 3 triệu đồng cho một lần mua qua sàn thương mại điện tử.

'Ông lớn' bất động sản công nghiệp muốn huy động hơn 1.000 tỷ đồng bằng trái phiếu

'Ông lớn' bất động sản công nghiệp muốn huy động hơn 1.000 tỷ đồng bằng trái phiếu

HĐQT của Becamex IDC, công ty hàng đầu Việt Nam về phát triển bất động sản công nghiệp, vừa thông qua kế hoạch huy động 1.080 tỷ đồng qua kênh trái phiếu nhằm tái cơ cấu nợ. Dự kiến, đợt phát hành sẽ thực hiện trong quý IV/2024.

Vì sao dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa không kịp theo kế hoạch?

Vì sao dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa không kịp theo kế hoạch?

Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM) gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ lùi thời gian thông xe đến tháng 2/2025, không kịp vào cuối năm nay như kế hoạch, do vướng giải phóng mặt bằng.