Từ đó, tháng 9-2021, C03 đã nắm được thông tin về việc giá thành mua, bán kit test xét nghiệm Covid-19 trên thị trường cao bất thường.
Lần theo chiếc que kit test, lực lượng CA đã phát hiện, bóc gỡ được một trong những đại án lớn nhất hiện nay. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 80 bị can bị cơ quan CSĐT Bộ CA và CA các địa phương khởi tố trong vụ án liên quan đến kit test Việt Á. Trong đó, có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN) Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc, hàng loạt giám đốc CDC các địa phương, cán bộ các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp trên cả nước, C03, Bộ CA đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trong và sau dịch bệnh Covid-19; kết hợp với việc tiếp tục tổ chức điều tra cơ bản theo các lĩnh vực xuyên suốt, tập trung nắm tình hình đối với lĩnh vực y tế, hoạt động đấu thầu phát hiện các sự việc, hiện tượng nổi lên nghi vấn có dấu hiệu tội phạm và vi phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, tháng 9-2021, C03 đã nắm được thông tin về việc giá thành mua, bán kit test xét nghiệm Covid-19 trên thị trường cao bất thường.
Để làm rõ vấn đề này, C03 đã giao lãnh đạo Phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ (Phòng 3/C03) chỉ đạo trinh sát đánh giá thông tin và phân tích giá thành kit test Covid-19. Qua đó xác định, giá kit test nhanh dao động từ 90.000-150.000 đồng/bộ, trong khi giá thị trường là 250.000-500.000 đồng/bộ; kit test PCR từ 250.000-350.000 đồng/bộ (giá thị trường từ 750.000-870.000 đồng/bộ).
Tiếp tục đi sâu xác minh, thu thập thông tin, C03 đã phát hiện, thu thập được thông tin về Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu và trúng thầu, ký kết các hợp đồng mua bán, cung cấp vật tư y tế, kit test với Sở Y tế, Bệnh viện, CDC các tỉnh thành và một số công ty khác với giá thành cao hơn thực tế nhiều lần. Tại thời điểm xác minh, kit test Covid-19 do Việt Á và các công ty liên quan cung cấp đang chiếm trên 70% thị phần phục vụ xét nghiệm trên cả nước.
Qua các thông tin, tài liệu ban đầu do trinh sát thu thập được xác định, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt cùng Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Việt) và Đồng Sỹ Huy thành lập ngày 28-2-2007, địa chỉ tại số 134/3D Đào Duy Anh, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh; vốn điều lệ 200 tỷ đồng (đến năm 2017 đăng ký tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng). Công ty đăng ký hoạt động trong các lĩnh vực: sinh học phân tử, xét nghiệm y sinh, trang thiết bị y tế và do Phan Quốc Việt làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật.
Ngoài Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt còn đứng ra thành lập hơn 30 công ty và giữ vai trò chỉ đạo, điều phối, quản lý hoạt động của các công ty này. Từ năm 2020, Công ty Việt Á đã trực tiếp hoặc gián tiếp trúng các gói thầu cung cấp vật tư y tế, cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu trên 4.000 tỷ đồng.
Hầu hết các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 đều được tổ chức theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Quá trình tham gia đấu thầu, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo sử dụng pháp nhân các công ty trong hệ thống lập Báo giá cung cấp các cơ sở y tế công để Việt Á được chỉ định thầu với giá do chính Việt Á xây dựng.
Trên cơ sở các thông tin, tình hình nắm được, lãnh đạo C03 đã chỉ đạo trinh sát rà soát và lập hồ sơ đưa 16 đối tượng có liên quan tới các hoạt động nghi vấn phạm tội của Công ty Việt Á vào diện sưu tra, trong đó có các đối tượng chính gồm: Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Việt Á; 3 Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á gồm Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt), Đồng Sỹ Huy; Vũ Đình Hiệp và Phan Tôn Noel Thảo - trợ lý tài chính Công ty Việt Á, điều hành, chỉ đạo bộ phận kế toán công ty; Hồ Thị Thanh Thảo - trực tiếp quản lý các số tài khoản của hệ thống Công ty Việt Á...
Trong thời gian này, trinh sát cũng phát hiện, các đối tượng tiếp tục có nhiều hoạt động có biểu hiện rất phức tạp, nghi vấn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới việc "thổi giá” kit test Covid-19.
Xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lại diễn ra trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, C03 đã báo cáo lãnh đạo Bộ cho phối hợp ngay với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để triển khai các biện pháp trinh sát liên hoàn.
Kết quả điều tra xác định, ngày 4-3-2020, Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho bộ test Covid-19 của Công ty Việt Á. Ngày 27-3-2020, Bộ Tài chính đã thông báo giá test Covid trên là 470.000 đồng/test, trên cơ sở hồ sơ của Công ty Việt Á gửi Bộ Y tế. Trong đó, riêng chi phí nguyên vật liệu để sản xuất 1 test Covid-19 là 356.815,17 đồng.
Tuy nhiên, căn cứ tài liệu điện tử thu được trên máy tính của Phan Tôn Noel Thảo, trợ lý Tài chính Công ty Việt Á (năm 2020 là Kế toán trưởng) thì chi phí nguyên vật liệu sản xuất 1 bộ test Covid-19 chỉ là 211.829 đồng.
Như vậy, chỉ tính riêng chi phí nguyên vật liệu sản xuất 1 bộ test Covid-19, Công ty Việt Á đã nâng khống giá, hưởng lợi trái phép 144.986,17 đồng. Quá trình xác minh, trinh sát cũng xác định, từ tháng 01 đến tháng 6-2020, chi phí mua vào hàng hóa, dịch vụ của Công ty Việt Á là 78,74 tỷ đồng, phí mua nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất test Covid-19 là 28,433 tỷ đồng.
Trong khi đó, Việt Á lại khai thuế GTGT lên tới hơn 116 tỷ đồng. Như vậy, Công ty Việt Á đã có hành vi nâng khống giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào để làm căn cứ tính giá thành bộ test Covid-19, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Công ty Việt Á đã nâng khống số tiền gần 37,3 tỷ đồng.
Để nâng khống chi phí nguyên vật liệu đầu vào, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo sử dụng các công ty con trong hệ thống xuất hóa đơn cho Công ty Việt Á nhằm tạo dòng tiền ảo, trong đó điểm đầu của các vòng quay nâng khống là Cửa hàng Âu Lạc do Hồ Thị Thanh Thảo (em vợ Việt) đại diện. Sau đó, các đối tượng xuất hóa đơn mua bán nguyên vật liệu lòng vòng qua các công ty con...
Tài liệu thu được cho thấy, doanh thu của Cửa hàng Âu Lạc năm 2020 là gần 120,4 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các loại chứng từ nội bộ, không báo cáo thuế có ký hiệu "BGĐ".
Để che giấu đầu vào của Cửa hàng Âu Lạc, các đối tượng lập chứng từ nhập kho nội bộ, trực tiếp Hồ Thị Thanh Thảo nộp tiền mặt, hoặc sử dụng CMND của các đối tượng Nguyễn Văn Nhân, Cao Viết Tình nộp tiền mặt vào tài khoản của Cửa hàng Âu Lạc (do Thảo đứng tên chủ tài khoản), sau đó Thảo dùng tài khoản này để chuyển cho các đối tượng trong công ty Việt Á với danh nghĩa "Thanh toán tiền mua hàng", "Nhờ thanh toán tiền mua hàng".
Số tiền này sau đó các cá nhân sẽ chuyển qua một số tài khoản khác (do cá nhân đó lập hoặc quản lý) rồi chuyển lại cho Thảo.
Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 phục vụ phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ đối với các địa phương, sản phẩm kit test nâng khống của Việt Á thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành sử dụng.
Sau đó, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các công ty con trong hệ thống hoặc các công ty có mối quan hệ với Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng thanh quyết toán theo giá cao hơn nhiều so với giá sản xuất.
Ví dụ như với CDC Hải Dương, ngày 01-10-2021, Công ty Việt Á (do Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc, đại diện) và CDC Hải Dương (do Phạm Duy Tuyến, Giám đốc, đại diện) ký hợp đồng với tổng trị giá sau thuế là 17,8 tỷ đồng. Ngày 5-11-2021, CDC Hải Dương đã thanh toán toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của Công ty Việt Á. Trong năm 2021, Việt Á còn ký với CDC Hải Dương 4 hợp đồng cung cấp trang thiết bị phòng, chống Covid-19 với tổng trị giá hơn 134 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng thu thập được tin nhắn của các đối tượng thể hiện nội dung Phan Quốc Việt chỉ đạo chuyển khoản tiền chiết khấu cho "anh Tuyến CDC Hải Dương số tiền 5 tỷ đồng". Để tránh bị phát hiện, khi chuyển tiền, các đối tượng ghi nội dung: "Nhờ TT giúp tiền hàng".
Công ty Việt Á còn thông đồng cùng Công ty cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa (Themco) nâng khống giá bán test Covid-19 cho Sở Y tế, CDC Thanh Hóa lên nhiều lần để hưởng lợi trái phép. Trinh sát phát hiện Công ty Việt Á chuyển trả tiền chênh lệch cho Themco tới gần 10 tỷ đồng, cũng với danh nghĩa "thanh toán tiền hàng".
Trinh sát còn làm rõ, Công ty Việt Á có dấu hiệu liên kết với Công ty TNHH phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (VN DAT) nâng khống giá bán các sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19 cho CDC các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong đó có CDC Bình Dương.
Chỉ trong năm 2021, thông qua 2 hợp đồng ký kết với CDC Bình Dương, Công ty Việt Á hưởng lợi tổng số tiền phí xuất hóa đơn là hơn 2,3 tỷ đồng. Công ty VN DAT đã chiếm đoạt thông qua việc Công ty Việt Á chuyển trả tiền ngoài với số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.
Với những thông tin, tài liệu trinh sát đã bí mật thu thập được, ngày 5-12-2021, C03 đã báo cáo đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc đề nghị xác lập chuyên án đấu tranh, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới Công ty Việt Á và các tổ chức, cá nhân khác do Phan Quốc Việt cầm đầu. Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã ký quyết định số 9971/QĐ-BCA-C03 về việc xác lập Chuyên án mang bí số 312V, trong đó đưa 21 đối tượng chính vào chuyên án để tổ chức đấu tranh. Ban Chuyên án ngay sau đó được thành lập, gồm 35 đồng chí, do Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng C03 (nay là Thứ trưởng Bộ Công an) làm Trưởng ban; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Đại tá Vũ Như Hà là các Phó Trưởng ban thường trực, cùng thành viên là lãnh đạo, cán bộ các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.
Ngay sau khi chuyên án được xác lập, Ban Chuyên án đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch đấu tranh chuyên án, nội dung kế hoạch được Ban Chuyên án hết sức quan tâm, nhằm đảm bảo kế hoạch phải đạt được mục đích, yêu cầu trong đấu tranh chuyên án.
Do phạm vi đấu tranh chuyên án rộng, trải dài trên địa bàn cả nước, Ban Chuyên án đã thành lập các tổ công tác tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, do từng lãnh đạo phòng, thành viên Ban Chuyên án làm tổ trưởng để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong nội dung chuyên án đã đề ra.
Trên cơ sở củng cố vững chắc các thông tin, tài liệu về hành vi phạm tội của các đối tượng, Ban Chuyên án đã xây dựng, tổ chức kế hoạch phá án một cách chi tiết với các phương án thực hiện cụ thể, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.
Theo đó, sẽ tiến hành khám xét khẩn cấp phục vụ phá án 18 địa điểm tại Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế và nhà riêng, chỗ ở của 10 đối tượng chính liên quan. Ban Chuyên án đã thành lập 11 tổ công tác trinh sát với tổng số gần 400 người.
Bên cạnh đó, Ban Chuyên án đã dự kiến các tình huống phát sinh có thể xảy ra và phương hướng, biện pháp xử lý để đảm bảo phá án thành công. Sau khi khống chế bí mật thành công các đối tượng trên, Cục trưởng C03 sẽ phát lệnh tấn công đồng loạt cho các tổ công tác.
Yêu cầu đặt ra của các mũi trinh sát là phải tiếp cận được tất cả 18 địa điểm, 25 đối tượng chính liên quan để đồng loạt phá án; không để các đối tượng kịp trở tay, che giấu, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ đối phó Cơ quan điều tra, tẩu tán tài sản, bỏ trốn; phải bắt giữ được toàn bộ đường dây, cả đối tượng chủ mưu, cầm đầu và đối tượng tham gia, không để phát sinh đối tượng truy nã.
Thực hiện kế hoạch phá án, đúng 9 giờ ngày 10-12-2021, khoảng 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc Cục C03 và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các địa phương đồng loạt tiến hành khám xét 21 địa điểm; triệu tập, khống chế 25 đối tượng tại Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, TPHCM, Bình Dương, Long An, Cần Thơ... khởi tố 22 bị can về 4 tội danh: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa-nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ban chuyên án cũng nhanh chóng kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài khoản, bất động sản với tổng trị giá trên 1.670 tỷ đồng của Phan Quốc Việt và đồng phạm. Hiện đã có 82 đối tượng bị khởi tố, bắt giam, trong đó có 2 Bộ trưởng, 1 Thứ trưởng, nhiều lãnh đạo cấp cao của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều giám đốc CDC các tỉnh thành.
Để phá đại án được ví như "quả bom Việt Á", khi phát nổ đã khiến nhiều cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý, tiêu tan sự nghiệp, lộ ra nhiều góc khuất trong xã hội hiện nay, thì áp lực đối với những người tham gia chuyên án hẳn là không hề nhỏ.
Thời điểm vụ án được phát hiện cũng là lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cả nước diễn biến đặc biệt phức tạp nên việc thực hiện đấu tranh của Chuyên án 312V gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với yêu cầu nhiệm vụ mà Ban chuyên án đặt ra, từng trinh sát đã không ngại gian khổ, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian đầu, việc nghiên cứu thông tin, tài liệu liên quan đến Công ty Việt Á, các kit xét nghiệm, hóa chất... của trinh sát rất hạn chế vì đây là lĩnh vực chuyên môn đặc thù. Trong Công ty Việt Á, tất cả các hóa chất, công thức đến pha chế đều được các đối tượng "mã hóa" thông tin nên công tác phân tích gặp rất nhiều khó khăn. Để giải mã các thông tin, tài liệu được mã hóa, các trinh sát đã phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học... để nghe phân tích dữ liệu, sàng lọc thông tin làm căn cứ, tài liệu để tổ chức trinh sát, đấu tranh.
Bên cạnh đó, đối tượng trong chuyên án hầu hết là những kẻ có quyền lực, có nhiều mối quan hệ, có tiền nên các CBCS cũng phải đối mặt với các biểu hiện tiêu cực, hoài nghi, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, những cám dỗ về vật chất... Tuy nhiên, các cán bộ trinh sát đã vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc phần việc được giao, được các cấp lãnh đạo ghi nhận, biểu dương.
Cũng như các loại tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế có những thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội. Tuy nhiên, đối tượng phạm tội thường là những kẻ có học, thậm chí có trình độ học vấn, hiểu biết rất cao nên việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội không hề dễ dàng.
Ngay từ đầu, Ban Chuyên án đã xác định các đối tượng nâng khống giá trị nguyên vật liệu để nâng giá thành sản xuất test Covid-19, nhưng để chứng minh hành vi phạm tội này là rất khó khăn. Qua tài liệu trinh sát thu thập được, phát hiện các đối tượng lập đồng thời 2 hệ thống sổ sách kế toán; 1 hệ thống công khai sử dụng để báo cáo thuế, 1 hệ thống bí mật để theo dõi nội bộ. Do đó, Ban Chuyên án thống nhất điểm đột phá là việc các đối tượng sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán nói trên.
Tuy nhiên, quá trình đấu tranh, tài liệu chứng minh 2 hệ thống sổ sách kế toán rất mờ nhạt nên chưa thể trích xuất, dựng lại dữ liệu. Dù đã chuyển hướng tập trung xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm trong việc thực hiện các gói thầu cung cấp trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 giữa Công ty Việt Á, Công ty cổ phần thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa - Themco với CDC Thanh Hóa, sau đó là các dấu hiệu vi phạm liên quan đến các gói thầu ở Cần Thơ, Bình Dương, Vĩnh Long... nhưng cũng đều chưa tìm được điểm đột phá.
Cuối cùng, sau nhiều lần họp bàn, Ban Chuyên án nhận định: Theo quy luật thông thường, tất cả các khoản tiền "chiết khấu", "hối lộ" đều sẽ được các đơn vị mua hàng (CDC, Sở Y các tỉnh, thành...) nhận bằng tiền mặt, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh không thể di chuyển, các đối tượng buộc phải tìm cách "chuyển khoản".
Do vậy, Ban Chuyên án đã chỉ đạo trinh sát rà soát hàng trăm tài khoản ngân hàng, liên quan tới hàng trăm đơn vị, cá nhân mua hàng của Công ty Việt Á để tìm cho được một đơn vị, cá nhân nhận tiền "chiết khấu", "hối lộ" bằng hình thức chuyển khoản. Cuối cùng, trinh sát đã phát hiện được khoản tiền 5 tỷ đồng có nhiều dấu hiệu nghi vấn chuyển từ tài khoản của Cửa hàng Âu Lạc đến số tài khoản của đối tượng Nguyễn Thị Hiển với nội dung "Nhờ thanh toán giúp tiền mua hàng".
Kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, Ban Chuyên án đã thu thập được tài liệu thể hiện việc Phan Quốc Việt chỉ đạo các đối tượng chuyển khoản 5 tỷ đồng tiền chiết khấu cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương qua số tài khoản của Nguyễn Thị Hiển (do Phạm Duy Tuyến gửi cho Công ty Việt Á). Đây chính là điểm đột phá quan trọng để tiến hành phá án, làm rõ toàn bộ các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.
Trong Chuyên án 312V, các đối tượng chủ yếu liên lạc với nhau bằng Viber, hệ thống quản trị mạng của Công ty Việt Á được bảo mật rất cao. Do đó, mọi hoạt động trinh sát kỹ thuật đều phải thực hiện một cách hết sức thận trọng.
Trên cơ sở đã dựng lên được toàn bộ đường dây, đối tượng, vai trò từng đối tượng và nắm bắt quy luật hoạt động của tất cả đối tượng, khu vực, địa điểm..., Ban Chuyên án đã quyết định thời điểm phá án vào đúng 9 giờ, thứ sáu ngày 10-12-2021. Đây là thời điểm cuối tuần, khi các đối tượng tập trung tại văn phòng để tổng kết công việc trong tuần, các dữ liệu điện tử sẽ được cập nhật mới nên có thể bắt gọn các đối tượng, thu được toàn bộ tang vật, tài liệu liên quan đến vụ án.
Chuyên án 312V có tác động, ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và quần chúng nhân dân đánh giá cao, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng CAND nói chung và lực lượng Cảnh sát kinh tế nói riêng.
Từ khi phá án đến nay, giá kit xét nghiệm trên thị trường đã giảm mạnh, các đơn vị y tế thực hiện hoạt động đấu thầu, mua sắm... hết sức chặt chẽ, khách quan, giảm hẳn chi phí xét nghiệm cho nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Ngay sau khi khởi tố vụ án, ngày 22-12-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử.
Ngày 30-12-2021, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Hiện Chuyên án vẫn đang tiếp tục mở rộng, điều tra, sẽ còn nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.