Reuters vừa đưa tin VNG Limited sẽ lùi kế hoạch niêm yết lên sàn Nasdaq xuống nửa đầu năm 2024. Quyết định này được đưa ra sau khi công ty và các cố vấn tổ chức các cuộc họp sớm với nhà đầu tư, trước khi có một buổi roadshow chính thức.
Theo Bloomberg, sau khi chứng kiến diễn biến trái chiều của 3 công ty IPO mới trong tháng này, ban lãnh đạo VNG Corporation được khuyên nên tạm dừng thương vụ, cho đến khi nhu cầu thị trường được cải thiện.
Phía VNG Corporation vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức. Song, dù có phải trì hoãn sang năm sau, thương vụ IPO và niêm yết lên sàn Nasdaq của VNG Limited vẫn rất được chờ mong, bởi đây sẽ là doanh nghiệp công nghệ đầu tiên của Việt Nam "đem chuông đi đánh xứ người".
Thậm chí, cùng với triển vọng ngành, tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, VNG Corporation hội tụ nhiều yếu tố để vươn mình trở thành một doanh nghiệp toàn cầu.
Sự phát triển mạnh mẽ của VNG Corporation mang đậm dấu ấn của doanh nhân Lê Hồng Minh cùng các cộng sự. Đặc biệt, đó còn là hình bóng của các cổ đông đến từ Trung Quốc, trong đó một tập đoàn được truyền thông trong và ngoài nước nhắc đến nhiều nhất là Tencent Holdings.
Dù sự hiện diện của cổ đông Trung Quốc này mới được đề cập chính thức hồi năm 2018, song dấu ấn của Tencent Holdings đã rõ nét trước đó cả thập kỷ và đóng vai trò quan trọng cho quá trình vươn lên mạnh mẽ của VNG Corporation.
Theo đó, từ năm 2008, Tenacious Bulldog Holdings Limited (thành viên Tencent Holdings) đã tham gia mua 40.010 cổ phần VNG Corporation với giá 121.693 đồng/CP; bên cạnh đó, một nhà đầu tư nước ngoài khác là GS Treasure Sarl cũng sở hữu 9.990 cổ phiếu khi phải chi 139.568/CP.
Nếu tính theo mức giá mà VNG Corporation phát hành cho 2 cổ đông ngoại nêu trên, định giá của công ty công nghệ này ở thời điểm đó rơi vào khoảng 3.000 – 3.500 tỷ đồng, con số đáng ngưỡng mộ với một doanh nghiệp mới vỏn vẹn 3 năm tuổi.
Về phía Tencent Holdings, báo cáo thường niên năm 2008 của tập đoàn này cho biết đã sở hữu hơn 20% tỷ lệ lợi ích một công ty sản xuất trò chơi trực tuyến (online game) tại Châu Á. Khá trùng hợp, cũng trong năm 2008, cựu giám đốc M&A của Tencent – ông Johny Shen (Johny Shen Hao) - đã chuyển sang phụ trách tài chính tại VNG Corporation.
Tiếp đến, năm 2011, Tencent Holdings công bố trong báo cáo cổ đông cho biết đang nắm vốn tại một công ty game trực tuyến chưa niêm yết ở Đông Nam Á với tỷ lệ sở hữu năm 2010 là 30,02%, năm 2011 là 31,25%. Báo cáo này không chỉ đích danh VNG Corporation.
Cùng năm, BCTC hợp nhất của VNG Corporation cũng cho biết Tencent Holdings Limited là "cổ đông lớn", song tỷ lệ sở hữu cụ thể không được tiết lộ.
Phải đến khi chuẩn bị niêm yết lên sàn Nasdaq, hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) của VNG Limited (pháp nhân nắm 49% vốn VNG Corporation) mới đưa ra một cách tường minh về tỷ lệ sở hữu thực sự của Tencent, cũng như các cổ đông nước ngoài tại VNG Limited.
Theo đó, Tencent Holdings là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu hơn 65 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng quyền biểu quyết là 23%. Sở hữu của Tencent gồm hơn 43 triệu cổ phiếu của Tenacious Bulldog Holdings Limited, 14,5 triệu cổ phiếu Prosperous Prince Enterprises Limited và hơn 7,5 triệu cổ phiếu sẽ phát hành sau khi hoàn tất IPO.
Bên cạnh Tencent Tencent Holdings, cơ cấu cổ đông VNG Limited còn có GIC (11,1%) thông qua Gamvest Pte. Ltd và Seletar Investments Pte Ltd (6,9%) và Ant Group (5,7%) – đơn vị từng thuộc sở hữu của doanh nhân Jack Ma.
Ngoài ra, VNG Limited cho biết công ty còn dự kiến chào bán 5,6 triệu cổ phiếu phổ thông loại A trong đợt IPO cho KingSoft với giá 1,4867 USD/CP. Theo đó, thương vụ trị giá 8,3 triệu USD xuất phát từ một hợp đồng quyền chọn được CTCP VNG (UPCOM: VNZ) – công ty con của VNG Limited – ký với Kingsoft vào năm 2010.
Đặc biệt, ít ai để ý lô cổ phiếu tại VNG Limited của nhà sáng lập Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải dù có 51% quyền biểu quyết (voting rights), nhưng không có quyền kinh tế (economic rights). Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả các nhà đầu tư ngoại ban đầu ở VNG) sở hữu 49% quyền biểu quyết nhưng sở hữu tới 84,2% quyền kinh tế tại VNG Limited.
Chi tiết này đã cho thấy tầm quan trọng của Tencent và Kingsoft với VNG Limited.
Không dừng lại ở phương diện nhà đầu tư cổ phần, mối quan hệ bện chặt giữa Tencent Holdings và Kingsoft với VNG Corporation còn được thể hiện qua hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Theo đó, nhờ lợi thế đi đầu về các thể loại game, VNG Corporation đã mang tới thị trường Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác những tựa game nổi tiếng như PUBG Mobile do Tencent Holdings phát triển và Võ Lâm Truyền Kỳ thuộc Kingsoft.
Đầu năm nay, VNG Corporation đã có được quyền phát hành Liên Minh Huyền Thoại - thể loại game MOBA (đấu trường trực tuyến nhiều người chơi), từ tay của Garena (thuộc Sea). Liên Minh Huyền Thoại là tựa game phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu do Riot Games phát triển - đây là công ty thuộc hệ sinh thái của Tencent Holdings.
Dữ liệu tài chính cho thấy, mảng kinh doanh game đóng góp lần lượt 80% và 81,7% tổng doanh thu của VNG trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Như từng đề cập, đây cũng là lĩnh vực duy nhất của VNG báo lãi liên tục qua các năm.
Tính riêng cổ đông chiến lược Tencent Holdings và Kingsoft, các trò chơi do 2 đơn vị này phát hành trong các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt đóng góp 30,6%, 40,7% và 29,4% doanh thu VNG Corporation, trong khi 6 tháng năm 2023 ghi nhận con số này là 27% doanh thu.
Trong 3 năm 2020-2022, VNG Corporation trả tiền bản quyền và phí cấp phép cho Tencent Holdings để cấp phép trò chơi của họ với tổng số tiền lần lượt là 545,4 tỷ đồng, 691,4 tỷ đồng và 634,4 tỷ đồng, trong khi 6 tháng năm 2023, VNG Corporation đã trả 360,3 tỷ đồng.
Sự đồng hành và hậu thuẫn từ Tencent Holdings, cùng các cổ đông ngoại khác đã thúc đẩy cho đà tăng trưởng và mở rộng của VNG Corporation tại thị trường trong nước nói riêng, cũng như đẩy nhanh kế hoạch mở rộng trên toàn cầu.
Dù kết quả kinh doanh chưa thật sự khả quan, song cần nhấn mạnh rằng doanh thu VNG Corporation liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2020 - 2022 đạt 13,5%. Đối với một “kỳ lân” công nghệ như VNG Corporation, tốc độ tăng trưởng doanh thu là yếu tố quan trọng hơn cả lỗ lãi, bởi đây là chỉ báo cho thấy tập đoàn đang liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mình theo đuổi.
Hồi cuối năm 2022, Bloomberg dẫn lời ông Lê Hồng Minh cho biết tập đoàn sẽ đẩy nhanh việc mở rộng trên toàn cầu với game là mũi nhọn. Cùng với đó, tập đoàn cũng mở rộng hoạt động kinh doanh từ các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây.
Còn về phía Tencent Holdings, một số ý kiến nhìn nhận VNG Corporation là bước đệm của tập đoàn này trong kế hoạch đầy tham vọng thâm nhập vào thị trường Việt Nam và Đông Nam Á đầy tiềm năng.
Theo Nhà đầu tư
Tỉnh Bình Dương phải phấn đấu đạt vị thế thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam, sớm trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Bình Dương phải thực hiện 3 tiên phong.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) vừa bày tỏ nguyện vọng tham gia những dự án đường sắt quan trọng tại Việt Nam, bao gồm cung cấp các dịch vụ và tư vấn.
Ngành đường sắt cho biết đã bán thành công hơn 62.000 vé tàu Tết sau 2 tuần mở bán. Hiện tại, vé tàu trước va sau Tết vẫn còn dồi dào.
Những HTX tiêu biểu được tuyên dương có nhiều HTX doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm. Tuy nhiên các HTX vẫn đang gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ trong quá trình sản xuất.
Ông Pawalit Ua- Amornwanit, Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam, luôn quan tâm đến chuyển động thị trường để củng cố hoạt động quản trị trong doanh nghiệp, chú trọng đến các hoạt động bền vững và có trách nhiệm với các hoạt động cộng đồng.
Cuộc thi gameshow kiến thức học sinh Olympia năm 2024, nam sinh người Huế bấm được nút giành quyền trả lời câu hỏi; chưa trả lời thì bạn đã la hét hò reo, lăn ra sàn ăn mừng chiến thắng. Dư luận có người khen nhưng cũng có người nghĩ khác.