Với những vị khách đến biển Sầm Sơn du lịch, cảm giác mua được mớ hải sản tươi rói nơi bờ cát là một trải nghiệm rất thú vị. Chợ trong biển, biển giữa lòng phố không chỉ là một cảnh quan đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn, nhiều người đi chợ không phải để mua bán mà chỉ là muốn xuống đẩy thuyền cùng ngư dân hoặc nhìn họ gỡ con cá, con ghẹ... từ lưới ra.
"Đi chợ cá như sa lưới tình!"
Xuất phát từ TP Thanh Hóa lúc 4h30 sáng, xuống đến TP Sầm Sơn vừa lúc để cảm nhận nhịp sống và hoạt động giao thương rất đặc trưng của người dân miền biển. Trời đâm mây ngang rồi dần hửng sáng, ánh bình minh “phả” xuống mặt biển loang loáng. Những con sóng miệt mài vỗ vào bờ và cũng vỗ về lên cơ thể hàng trăm du khách đang nô đùa dưới nước. Người không bơi thì chạy bộ, tập thể dục, một số người khác tạo dáng tranh thủ làm vài kiểu ảnh lưu niệm...
Ở Sầm Sơn có một nét rất riêng là du khách có thể vừa ngắm bình minh trên biển, vừa hít không khí sớm mai trong lành, vừa xem ngư dân kéo lưới đánh bắt hải sản và “săn” hải sản tươi ngay trên mép nước tại bến thuyền neo đậu của ngư dân. Nhiều du khách thích thú khi được đi “chợ” cá vào buổi sáng mai, giúp họ lấy năng lượng cho một ngày làm việc mới. Họ đam mê tới mức “đi chợ cá như sa lưới tình!”. Một du khách chia sẻ: “Cái cảm giác, ngắm nhìn những con cá bám đầy nhớt được đổ xuống tấm nilon đặt dưới nền cát rất thích. Bình thường đi chợ, em chỉ đi 15, 20 phút là xong nhưng đi chợ cá là quên lối về. Đi chợ như đi chơi, vui mà”.
Mua hải sản ở đây không rẻ so với những nơi khác, nhưng được cái tươi. “Nước sôi, nước sôi, làm ơn cho em qua đi mấy anh, mấy chị ơi!”. “Cá trích 8 chục, ghẹ sữa 3 chục, cua ba trăm... nhá”... - kiểu nói chuyện “ăn sóng nói gió” mới nghe tưởng như “cãi lộn” của người miền biển, tuy “chém to, kho mặn” nhưng chân chất. Lại có vị khách cầm điện thoại, chen người vào livestream: “Tắm biển xong lên mua cá về khách sạn nấu cơm. Nhìn nhỏ như thế này thôi nhưng tươi xanh, giãy đành đạch, nấu canh chua thì hết ý”...
6h sáng, chợ cá thưa dần. Mặt trời đã lên cao hơn, bóng người, bóng tàu thuyền như đổ xuống mặt biển, báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
Điều thú vị nằm ở chỗ sau khi mua đồ xong, du khách có thể mang lên những quán nhỏ sát đường để nhờ chế biến theo yêu cầu và ăn luôn tại chỗ. Với những thứ hải sản tươi ngon, khách đa phần chọn món hấp hoặc nướng để có thể thưởng thức hết được vị ngon ngọt, giòn dai. Trung bình mỗi món hấp tiền công từ 30 đến 50 nghìn đồng kèm ghế ngồi. Món nướng thì nhỉnh hơn một chút. Dịch vụ này, ngoài tiền công, họ hy vọng bán thêm bia, nước ngọt, bánh tráng, bún, bánh cuốn ăn kèm tăng thêm thu nhập.
Bên cạnh việc chế biến đồ ăn, những người dân địa phương cũng sẵn sàng sắm vai những hướng dẫn viên du lịch chỉ cho khách những địa điểm nên đến, nên thăm tại TP Sầm Sơn, hay giống những đầu bếp chuyên nghiệp hướng dẫn du khách cách lựa chọn và chế biến hải sản sao cho ngon và chuẩn vị nhất. Đây thật sự là một trải nghiệm thú vị mà các tín đồ hải sản khi đến Sầm Sơn du lịch nên thử để tìm thấy sự khác biệt cho mỗi chuyến đi của mình.
Hấp dẫn tour đi chợ
Ở Sầm Sơn, ngoài 2 điểm chợ bên mép sóng thuộc bãi A và C, các chợ truyền thống như: chợ Mới, chợ Cột Đỏ, chợ cá Cảng Hới..., cũng được nhiều du khách ưa thích nhờ tính ổn định về mặt chất lượng. Tôm cá được phân loại, bảo đảm sự đồng đều.
Đến chợ Cột Đỏ - chợ cá lớn nhất đất Sầm Sơn, khi chợ gần tan phiên sáng, không còn cảnh nhộn nhịp chen chúc giữa người mua kẻ bán, không còn nhiều những thứ âm thanh đặc thù của chợ, người rao, kẻ trả giá, tiếng chê mắc, lời qua tiếng lại... Nhưng vẫn lác đác có khách du lịch dạo chơi, chụp ảnh chợ cá. Nhiều du khách còn đánh cả xe riêng tới thăm chợ, mua hàng đóng thùng xốp về làm quà cho người thân và gia đình sau chuyến du lịch.
Chợ nằm ngay nội thành, với khuôn viên rộng, khá quy củ với hàng trăm “lốt”, chia thành nhiều khu vực. Các loại hải sản được xếp hoặc phân loại thành từng khay... Bên cạnh những con cá thu tròn dài nung núc (mỗi con cân nặng từ 7 - 8 kg) là những con mực to bằng chiếc đĩa bầu dục. Gây chú ý nhất là nhiều loại thủy hải sản tươi rói, bơi trong các chậu, thùng, đổ ra còn nguyên vị nước biển...
Theo bà Nguyễn Thị Liên, tiểu thương chuyên kinh doanh các loại cá, tôm và hải sản tươi sống chợ Cột Đỏ, thì đa dạng, tươi sống vốn đã là đặc trưng, truyền thống của chợ. Và để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đại đa số các gian hàng ở chợ này còn nhận chế biến tươi, chín cho khách. “Em cứ lựa mua đi, ở đây chị làm sạch, cắt khúc, ép chân không, đóng thùng đá cho em mang đi khắp nơi”, lời mời của chị Liên khiến không ít khách du lịch phấn khởi. Nếu đi theo đoàn không có thời gian chế biến, khách du lịch có thể nhờ các tiểu thương ở chợ luộc hoặc hấp sẵn sau đó họ sẽ đóng hộp cho khách mang đi, đặc biệt nhiều nơi khéo léo kinh doanh còn bán luôn lọ “nước chấm thần thánh” với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng.
Được biết, để có hàng thủy hải sản tươi rói, đa dạng, nhiều chủ hàng đã phải thức đêm, dậy sớm, thậm chí từ 21h đêm hôm trước để đón những chuyến hàng đầu tiên cập bến cho tới tận sáng hôm sau. Họ đều có “mối” quen, hay hợp đồng với các tàu chạy cá. Các tàu này thường ra khơi sớm để gặp các tàu ngư dân ở ngư trường trên Vịnh Bắc bộ, rồi lấy thủy hải sản ngay sau chuyến biển vừa kết thúc. Đồng thời, tiếp tế thức ăn, nhu yếu phẩm cho ngư dân thực hiện chuyến biển tiếp theo. Theo đó, các loại thủy hải sản được phân loại, đưa ngay xuống văng lớn (ngăn dưới sàn thuyền, có lỗ nhỏ thông với biển cho nước lưu thông) hoặc đưa vào thùng sục khí để giữ hải sản tươi sống khi về đất liền. Từ chợ, thủy hải sản tiếp tục theo xe, thùng sục khí đi khắp các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch.
Len lỏi giữa những mặt hàng hải sản tươi còn có những mặt hàng hải sản khô dậy mùi phưng phức. Người dân Sầm Sơn với kinh nghiệm ướp cá, phơi nắng nóng vừa đủ khô giòn mà vẫn giữ được hàm lượng các chất dinh dưỡng trong thịt thơm ngon đậm đặc.
Với sự hấp dẫn đặc biệt riêng của những buổi chợ sớm, chợ chính, nên nhiều năm qua, các công ty du lịch, khách sạn, khu nghỉ mát ở Sầm Sơn đều giới thiệu du khách đến chợ trong các chương trình khám phá. Mục đích của tour này là để du khách trải nghiệm, khám phá nhịp sống bình yên, trong lành ở Sầm Sơn thông qua các hoạt động đời thường, đặc trưng của một thành phố ven biển. Trong chặng cuối của hành trình, du khách thường sẽ dừng chân ở chợ Cột Đỏ tham quan và mua quà mang về tặng người thân, bạn bè. Trở về, khui chiếc thùng đá chứa đồ tươi, đồ khô, mỗi du khách như một lần nữa trực tiếp quảng bá hình ảnh Sầm Sơn với những sản vật đặc trưng của biển.
Theo báo Thanh Hóa
Người dân Thủ đô và du khách sẽ có trọn vẹn tháng 10 để khám phá và hồi tưởng lại một phần ký ức thời bao cấp với hình ảnh tàu điện leng keng, xe đạp cũ kỹ, quạt tai voi, tivi cổ… Những hoạt động ý nghĩa trên nằm trong chuỗi sự kiện Hà Nội – Chạm miền ký ức tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đến hết tháng 9, số cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đạt tỷ lệ 85,9% kế hoạch năm 2024.
Hiện tại, tiểu thương chợ Mỹ Bình, chợ Long Xuyên (tỉnh An Giang) bán lẻ cá chạch lấu sông loại 1 (nặng ba lạng rưỡi trở lên) từ 450.000-500.000 đồng/kg. Đây là loại cá sông, cá đặc sản vùng đầu nguồn sông Hậu ở An Giang.
Được kỳ vọng trở thành khu thể dục thể thao hiện đại bậc nhất TP.HCM, nhưng Khu Liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc sau 30 năm quy hoạch vẫn còn dở dang, được người dân tận dụng làm ao nuôi cá.
Dù có mức thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng/tháng, nhiều GenZ vẫn chần chừ, không dám đưa ra quyết định mua nhà trong bối cảnh giá bất động sản đang biến động mạnh.
Ngành đường sắt đã chính thức mở bán vé tàu Tết 2025. Theo đó, giá vé năm nay tăng bình quân từ 4% đến 5% so với cùng kỳ Tết 2024 (tùy vào từng cung chặng, thời điểm và mác tàu khác nhau).