Tỷ giá USD/VND đã tăng gần 2% trong 8 tháng vừa qua
Tính đến phiên giao dịch ngày 19/9, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.060 VND/USD. So với phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2023 (3/1), tỷ giá trung tâm đã tăng 454 đồng, tương ứng tăng 1,9%, còn nếu so với mức thấp nhất trong năm (được thiết lập ngày 15/4 - 23.588 VND/USD), tỷ giá trung tâm đã tăng tới 2% (tương ứng tăng 472 đồng).
Sau khi giữ ổn định trong 7 tháng đầu năm, tỷ giá USD/VND đã bắt đầu có biến chuyển tăng kể từ đầu tháng 8 và "nổi sóng" mạnh khi bước sang tháng 9. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 11/9, lần đầu tiên trong lịch sử tỷ giá trung tâm vượt qua mốc 24.000 VND/USD và từ đó tỷ giá này tiếp tục "tịnh tiến". Cho dù tới ngày 14/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.995 VND/USD, hạ nhiệt so với mức đỉnh trước đó nhưng đã bật tăng trở lại ngay vào phiên giao dịch tiếp theo.
Biến động của tỷ giá USD/VND được giới chuyên gia nhận định là do chính sách tiền tệ đã tạo ra sự chênh lệch về lãi suất trong nước và thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, cộng thêm nhiều chỉ đạo để khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay.
Tỷ giá USD/VND cũng đang gánh chịu thêm sức ép khi cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9 của Fed đang đến gần và Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn có khả năng tăng thêm lãi suất. Điều này sẽ nới rộng chênh lệch lãi suất USD/VND trên thị trường liên ngân hàng vốn đang ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, những diễn biến quốc tế khó lường tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và diễn biến tiền tệ của Việt Nam. Theo đó, khả năng đồng VND giảm giá so với USD tiếp diễn trong các tháng cuối năm.
Để hỗ trợ cho nội tệ, giữ tỷ giá ổn định, các ngân hàng trung ương có thể lựa chọn điều chỉnh lãi suất hoặc điều chỉnh giá mua, bán ngoại tệ. Còn tại Việt Nam, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay khiến áp lực lên tỷ giá có xu hướng dồn tích. Biến động mới nhất về tỉ giá có thể khiến quá trình giảm lãi suất cho vay bị chậm lại.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, giảm lãi suất là yêu cầu đặt ra hiện nay đối với các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, thay đổi lãi suất có độ trễ. Vì vậy, nếu điều hành lãi suất không thận trọng, quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể đến thời điểm nào đó nền kinh tế bị tác động thái quá, lúc đó có thể dẫn đến chi phí cho việc xử lý việc thái quá.
"Chính sách lãi suất có quan hệ biện chứng tới tỷ giá, nếu lãi suất thấp tỷ giá khả năng bùng lên. Do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý", Phó Thống đốc phân tích.
Ngoài việc mạnh tay với tỷ giá trung tâm, vào phiên giao dịch ngày 19/9, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng giá bán USD tại Sở giao dịch lên 25.213 VND/USD.
Từ phiên giao dịch đầu tiên trong năm (3/1), tỷ giá mua và bán tham khảo tại Sở giao dịch là 23.450 - 24.780 VND/USD. Tới ngày 4/4, chiều bán bắt đầu có biến động giảm còn 24.733 VND nhưng tăng ngay sau phiên liền kề. Tiếp tới ngày 18/5, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bắt đầu thay đổi chiều mua, giảm còn 23.400 VND và giữ nguyên mức này cho đến nay.
Sau đó tới ngày 15/8, chiều bán tại Sở giao dịch lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt mốc 25.000 VND. Tính chung từ đầu tháng, giá bán USD tham khảo tại Sở Giao dịch đã tăng 131 VND mỗi USD.
Trong tháng qua, khi Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm lên ngưỡng cao thì tỷ giá USD niêm yết tại các Ngân hàng Thương mại và thị trường tự do cũng diễn biến tương đồng. Hiện tại, tỷ giá USD chiều bán niêm yết tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, vượt mốc 24.500 đồng/USD. Theo đó, giá bán USD phổ biến trong khoảng 24.500 - 24.530 VND/USD. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán tại các ngân hàng hiện cũng duy trì ở mức 300 – 400 đồng/USD.
Dù bật tăng mạnh, giá USD tại các ngân hàng vẫn thấp hơn 700 - 750 đồng so với mức trần cho phép. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các Ngân hàng Thương mại được phép giao dịch là từ 22.857 - 25.263 VND/USD. Điều này cho thấy NHNN luôn sẵn sàng cung ứng ngoại tệ cho thị trường trong trường hợp tỷ giá tăng nóng.
Cùng với diễn biến tăng tại các ngân hàng thương mại, theo khảo sát của PV Dân Việt: trên thị trường tự do, giá USD cũng đang dao động trong khoảng 24.100 - 24.220 VND/USD (mua vào - bán ra). Điều đáng nói, tỷ giá USD bán niêm yết của ngân hàng đang cao hơn thị trường "chợ đen". Nói dễ hiểu, các ngân hàng đang mua USD với giá rẻ hơn nhiều so với chợ đen, trong khi bán ra đắt hơn.
Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích tại VnDirect đã từng đưa ra nhận định: "Sức ép tỷ giá cuối năm sẽ phụ thuộc vào diễn biến lãi suất USD cũng như định hướng hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước. Bên cạnh đó, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 cũng sẽ góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ".
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.