Thứ năm, 05/12/2024

"Hoa mắt" với phí dịch vụ SMS Banking

28/11/2024 9:35 AM (GMT+7)

Bỗng dưng nhận được thông báo phí SMS Banking tăng gấp nhiều lần, không ít người đã quyết định hủy dịch vụ, chuyển sang lựa chọn miễn phí

Làn sóng hủy dịch vụ SMS Banking diễn ra tại nhiều ngân hàng (NH) thương mại. Nguyên nhân là do các NH áp dụng biểu phí mới, tính phí theo số lượng tin nhắn thực tế, thay vì thu phí cố định như trước khiến số tiền phải trả tăng lên rất nhiều lần so với bình thường.

Tăng gấp cả chục lần

Chị Ngọc Lam (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết vừa hủy dịch vụ SMS Banking của VietinBank cho ba mình sau nhiều năm sử dụng. "Ba tôi chạy xe công nghệ, mỗi cuốc xe đều nhận một tin nhắn. Trước đây phí cố định chỉ 11.000 đồng/tháng nên không để ý nhưng gần đây, khi kiểm tra, tôi phát hiện phí tin nhắn tăng lên hơn 300.000 đồng/tháng. Với thu nhập của một tài xế, mức phí này quá cao" - chị Lam chia sẻ.

Song song với hủy dịch vụ SMS Banking, chị Lam cũng đăng ký cho ba chị nhận thông báo qua OTT (báo biến động số dư trên ứng dụng - app NH) để được miễn phí. Vì đặc thù chạy xe công nghệ thì luôn có mạng 4G hằng ngày.

"Hoa mắt" với phí dịch vụ - Ảnh 1.

Cùng thông báo biến động số dư, tin nhắn OTT miễn phí (trái) và tin nhắn SMS Banking (phải) với mức phí 700 đồng/tin nhắn. Ảnh: NLĐ

Không chỉ tài xế công nghệ, nhiều người bán hàng online cũng quyết định hủy dịch vụ SMS Banking sau khi nhận hóa đơn phí tăng cao. Chị Thanh Hoàng (huyện Bình Chánh, TP HCM) chia sẻ: "Tháng 11, tôi nhận thông báo phí SMS Banking của BIDV lên tới gần 200.000 đồng, trong khi trước đây chỉ 10.000 đồng/tháng. Thấy vậy, tôi hủy luôn để chuyển sang app".

Nhiều người bức xúc, đưa lên mạng xã hội phản ánh việc phí SMS Banking tại BIDV trong tháng 10-2024 tăng cao bất thường, dao động từ vài trăm ngàn đến 800.000 đồng/tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phí SMS Banking tại BIDV tăng cao là do NH này áp dụng biểu phí mới, tính theo số lượng tin nhắn phát sinh thay vì mức cố định như trước. Theo đó, khách hàng sử dụng BIDV SmartBanking được miễn phí; còn nếu nhận tin nhắn SMS, phí sẽ là 10.000 đồng/tháng cho dưới 15 tin nhắn, từ 15 tin trở lên thì tính 700 đồng/tin.

Không riêng BIDV, nhiều NH như Vietcombank, VPBank, Sacombank, Eximbank... cũng điều chỉnh phí SMS Banking theo số lượng tin nhắn thực tế và khuyến khích khách hàng chuyển sang dịch vụ OTT miễn phí. Theo một số chuyên gia tài chính, trước đây, các NH phải bù đắp phí SMS Banking cho nhà mạng, nay phí SMS Banking được "tính đủ" cho khách hàng là 700-800 đồng/tin nhắn, bằng với mức các nhà mạng thu của NH thương mại để khuyến khích khách hàng chuyển sang dịch vụ OTT miễn phí.

Cần thông báo rõ ràng, minh bạch

Một số khách hàng của BIDV cho biết họ phản ứng không phải vì đóng phí vài trăm ngàn đồng mà vì không nhận được thông báo của NH về việc sẽ thu phí SMS Banking theo biểu phí mới từ đầu tháng 10-2024. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện BIDV khẳng định đã thông báo biểu phí mới này trên website, email cho từng khách hàng và có thông báo qua tin nhắn trên OTT của NH số - BIDV SmartBanking.

"Hoa mắt" với phí dịch vụ - Ảnh 2.

Khách hàng giao dịch tại 1 chi nhánh của NH BIDV. Ảnh: NLĐ

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần nói phí SMS Banking hiện được các NH tính theo nhu cầu giao dịch thực tế phát sinh của khách hàng. Tức là với những tài khoản hằng tháng chỉ phát sinh vài giao dịch thì phí là 10.000 đồng hoặc 11.000 đồng/tháng; còn những tài khoản giao dịch không tiền mặt nhiều, có thể lên tới cả trăm SMS nên việc trả thêm phí là hợp lý. Đặc biệt, người dùng hiện tại có sự lựa chọn dịch vụ miễn phí là nhận OTT trên app NH số.

Không chỉ phí SMS Banking gây tranh cãi, một số khoản phí khác cũng khiến nhiều khách hàng bất ngờ vì không được thông báo rõ ràng trước khi bị thu. Chị Lê Thị Diệp (ngụ TP HCM) cho biết gần đây chị chuyển 10 triệu đồng đến tài khoản của mình tại Eximbank rồi trực tiếp đến quầy để rút và bị NH này thu phí. 

"Lý giải mức phí này, nhân viên Eximbank thông báo do chị Diệp chuyển và rút tiền trong ngày nên NH thu một khoản nhỏ gọi là phí kiểm đếm. Bởi lẽ, khi tiền từ NH khác chuyển đến, Eximbank chưa sử dụng số tiền để sinh lời nhưng đã phải trả các chi phí liên quan như vận hành, nhân sự... Thế nên, Eximbank thu phí của người rút tiền để bù đắp cho những chi phí của giao dịch này" - chị Diệp kể.

Một lãnh đạo khối khách hàng cá nhân của Sacombank cho biết phí giao dịch là một nguồn thu trong tổng phí dịch vụ của NH. 100% các loại phí dịch vụ của Sacombank đều được niêm yết công khai trên website NH. Có điều, theo lãnh đạo Sacombank, do NH Nhà nước không quy định mức phí cụ thể nên mỗi NH có chính sách thu hay miễn phí dịch vụ khác nhau. Mặt khác, mỗi NH có đến hàng chục triệu khách hàng và có hàng trăm loại phí nên mỗi khi tăng mức phí của một dịch vụ nào đó, NH không thông báo cho từng khách hàng biết, mà thường cập nhật thông tin này trên website hoặc khi khách hàng thực hiện giao dịch trên ứng dụng điện thoại có thể hiện mức phí cụ thể. 

"Riêng việc tăng hay giảm các loại phí mang tính đại trà như SMS Banking, ATM… thì nhiều NH thương mại, trong đó có Sacombank, đều đăng tải sự thay đổi biểu phí tại mục quảng cáo trên app của NH mình" - lãnh đạo Sacombank nói thêm. 

Vì sao ngân hàng tăng phí SMS Banking?

Các NH như BIDV cho biết trước đây họ chi trả phần lớn phí SMS Banking để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, với số lượng tin nhắn tăng mạnh, mức phí phải trả cho nhà mạng cũng tăng. Trước đây, NH thu phí cố định 10.000 đồng/tháng/thuê bao nhưng nay chuyển sang thu theo số lượng tin nhắn để tương ứng với chi phí thực tế.

VPBank cũng giải thích việc tăng phí nhằm khuyến khích khách hàng chuyển sang quản lý biến động số dư trên ứng dụng VPBank NEO (miễn phí), giúp tiết kiệm chi phí cho cả NH và khách hàng. Tin nhắn báo biến động số dư mới bị thu phí, trong khi các tin nhắn khác như mã OTP hay thông báo thay đổi thông tin vẫn được NH chi trả.

Theo nld.com.vn


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bitcoin lên đỉnh, bỏ mốc 100.000 USD lại phía sau

Bitcoin lên đỉnh, bỏ mốc 100.000 USD lại phía sau

Bitcoin vừa đã vượt mốc 100.000 USD. Không những vậy, loại tiền điện tử đình đám thế giới này còn cao hơn 103.000 USD trong hôm nay 5/12.

Vì sao Bessent được coi là Bộ trưởng Tài chính Mỹ 'lý tưởng' đối với Việt Nam?

Vì sao Bessent được coi là Bộ trưởng Tài chính Mỹ 'lý tưởng' đối với Việt Nam?

Các quyết định nhân sự liên quan đến kinh tế của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump giúp giảm rủi ro đối với các nhà đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, người được chọn làm Bộ trưởng Tài chính được coi là yếu tố tích cực cho Việt Nam, theo một nhà kinh tế người Mỹ nhiều kinh nghiệm.

Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM từ đầu năm 2025 có gì đáng chú ý?

Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM từ đầu năm 2025 có gì đáng chú ý?

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP.HCM khẩn trương hoàn thành các thủ tục triển khai Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM trong tháng 12/2024, cơ bản hình thành Trung tâm trong quý I/2025.

Vì sao nhóm cổ phiếu công nghệ tăng đột biến trong 11 tháng?

Vì sao nhóm cổ phiếu công nghệ tăng đột biến trong 11 tháng?

Trong tháng 11, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ghi nhận giảm điểm so với tháng trước đó, song nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin vẫn tăng và dự kiến tăng cả năm 2024.

Không thông báo gì, Temu dừng hoạt động ở Việt Nam

Không thông báo gì, Temu dừng hoạt động ở Việt Nam

Nhiều đơn hàng trên sàn thương mại điện tử Temu đình đám của Trung Quốc không được thông quan và giao dịch tại Việt Nam trong hôm nay. Nguyên nhân là Temu vừa tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Nghĩa vụ của Temu là phải chuyển trả lại tiền cho người tiêu dùng.

Phát hiện nhiều điểm kinh doanh hàng hóa không nguồn gốc

Phát hiện nhiều điểm kinh doanh hàng hóa không nguồn gốc

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 18 thuộc Cục QLTT TP.HCM liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc ở huyện Hóc Môn. Đặc biệt, đã chuyển 1 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu cho cảnh sát để điều tra.