Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tuy tăng 5,33% so với cuối năm 2022 nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 9,87% của cùng kỳ năm 2022. Điều này làm gia tăng áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Dự báo về diễn biến lãi suất, Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nhận định khó có thể kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có các đợt giảm mạnh mẽ và liên tiếp lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm. Bởi lẽ, lãi suất tiền Đồng Việt Nam phụ thuộc vào lãi suất tại nhiều nền kinh tế lớn trong khi áp lực tăng lãi suất tại Mỹ và châu Âu chưa hoàn toàn hạ nhiệt. Đồng thời, những tác động của lãi suất tới tỷ giá hối đoái cũng cần được tính toán và cân đối.
Dù vậy, ông Bình đánh giá, hiện lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước đều đang nằm trong tầm kiểm soát, tỷ giá hối đoái tuần vừa qua có những áp lực lớn lên VND nhưng cũng vẫn giữ được sự ổn định. Những yếu tố này kết hợp cùng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong những tháng tới có thể là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm, nhưng sẽ không phải là những bước điều chỉnh quá lớn.
Còn đối với lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại, ông Bình kỳ vọng có thể giảm từ 0,5 - 1 điểm % từ nay đến cuối năm giúp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân. Bởi ngoài những kỳ vọng về giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dựa trên điều kiện thực tế cho phép, một phần tiền gửi ngân hàng huy động cách đây khoảng 1 năm với lãi suất cao khoảng 10% sẽ đáo hạn trong 1 - 2 tháng tới và chuyển sang kỳ hạn mới với mức lãi suất huy động thấp hơn. Đây là dư địa để các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn giá rẻ hơn, là nền tảng rất quan trọng để giảm lãi suất cho vay trên thị trường ngoài các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng quan điểm, BVSC cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có phần ngược lại với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Dù vậy, theo BVSC mặt bằng lãi suất thời gian tới có thể giảm chậm hơn so với các tháng vừa qua. Hiện mặt bằng lãi suất điều hành và lãi suất huy động đều đã giảm gần tới mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch COVID-19, do đó, dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động sẽ không còn lớn.
Cũng bàn về những động thái của nhà điều hành, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, bởi lãi suất hạ có thể kích cầu tín dụng cho vay doanh nghiệp, cá nhân.
Nhưng vị chuyên gia này cũng lưu ý điều này có thể tạo ra nhiều rủi ro về lạm phát, mất cân đối trên thị trường ngoại hối và rủi ro đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng khi tỷ giá tăng, tạo tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư. Do đó, một kịch bản thắt chặt tín dụng trở lại cũng có thể được tính tới nhằm kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, kêu gọi đầu tư nước ngoài, tạo ổn định trên tất cả các thị trường.
Tại Hội nghị về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp diễn ra ngày 7/9, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ: "Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm thúc đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay".
Từ đó, Phó Thống đốc đề xuất 4 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng gồm: Kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển các loại thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Cũng tại hội nghị trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, cơ quan liên quan phát huy tinh thần cầu thị, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp để chủ động có giải pháp tháo gỡ ngay theo thẩm quyền và quy định pháp luật, không để chậm trễ, bị động, mất tính thời điểm.
"Doanh nghiệp khỏe, tiếp cận được vốn, ngân hàng mới có dư địa, mảnh đất để hoạt động. Doanh nghiệp, phá sản, ngân hàng cũng không có chỗ. Ở chiều ngược lại, ngân hàng phải tồn tại được mới có nguồn vốn cho doanh nghiệp. Nếu làm không theo nguyên tắc, quy định của pháp luật, ngân hàng không có khả năng thu hồi vốn thì không còn tồn tại ngân hàng để thực hiện việc này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
TTXVN
Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest đã bị xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng trong năm nay vì nhiều vi phạm trong hoạt động công bố thông tin, lưu giữ hồ sở, cho vay...
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gừng, một loại gia vị phổ biến trong nhà bếp, đang trở nên phổ biến vì nhiều lợi ích sức khỏe. Nó có thể làm giảm buồn nôn, hỗ trợ giảm cân, điều chỉnh lượng đường trong máu và cholesterol, thậm chí giúp giảm đau đầu.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Công ty chứng khoán SSI đã nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước hơn 7,33 tỷ đồng. Đây là tổng số thuế bị truy thu, tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế cho năm 2022 và 2023.