Đưa sản phẩm OCOP đến với lễ hội chùa Keo
Hằng năm, tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) diễn ra 2 lễ hội. Đó là lễ hội mùa Xuân (ngày mồng 4 tháng Giêng Âm lịch) và lễ hội mùa Thu (tháng Chín Âm lịch).
Tuy vậy, lễ hội mùa Thu mới là lễ hội chính trong năm bởi có quy mô tổ chức lớn hơn, kéo dài nhiều ngày.
Bà Phạm Thị Như Phong, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) cho biết, Lễ hội chùa Keo mùa Thu 2023 sẽ được tổ chức trong 6 ngày, bắt đầu khai mạc tối ngày 24/10 tới đây tại quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo.
“Năm nay, huyện quyết tâm nâng tầm quy mô, giá trị lễ hội chùa Keo mùa Thu sao cho tương xứng với vị trí và vai trò của một di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Điểm mới của lễ hội lần này là chương trình khai mạc diễn ra tối 24/10 được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh Thái Bình và dự kiến sẽ được 35 Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố tiếp sóng. Ngoài ra, lần đầu tiên tại lễ hội chùa Keo chúng tôi quyết định kết hợp tổ chức hội chợ trưng bày, giới thiệu, giao lưu, quảng bá sản phẩm OCOP và mời các huyện, thành phố trong tỉnh cũng như một vài đơn vị tỉnh bạn tham gia”, bà Phong cho hay.
Theo ông Cao Vũ Thạch, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Vũ Thư, hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP trong khuôn khổ lễ hội chùa Keo nhằm tạo sự gắn kết giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch của huyện Vũ Thư, giữa các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn.
“Tại các lễ hội trước đây thì chỉ có 1 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Vũ Thư, năm nay đặc biệt huyện quyết định tổ chức kết hợp giữa lễ hội và hội chợ và mời các huyện, thành phố bạn và một số đơn vị, địa phương tỉnh bạn. Đến nay, các công việc chuẩn bị cho lễ hội và hội chợ đang được các thành viên tiểu ban tổ chức gấp rút triển khai, kỳ vọng sẽ mang lại thành công, khác biệt, góp phần nâng tầm quy mô, giá trị của lễ hội chùa Keo mùa Thu”, ông Thạch cho biết.
Trong 6 ngày diễn ra lễ hội cũng đồng thời là 6 ngày diễn ra các hoạt động mua bán, quảng bá sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng đến từ các địa phương tham gia hội chợ.
Theo đó, tại sân Ban Quản lý di tích chùa Keo, ban tổ chức dự kiến bày trí, sắp xếp 23 gian hàng để các đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
“Chúng tôi sẽ bố trí tổ chức 23 gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Vũ Thư (3 gian); 7 huyện, thành phố trong tỉnh Thái Bình và huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (mỗi đơn vị 2 gian hàng). Ngoài ra, có 3 gian hàng sản phẩm OCOP dành cho các tỉnh bạn và 1 gian hàng của Ban Quản lý di tích chùa Keo”, ông Thạch thông tin thêm.
Gấp rút các khâu chuẩn bị cho Lễ hội
Về đêm khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa Thu 2023, theo tiết lộ của ban tổ chức, điểm nổi bật nhất sẽ là chương trình nghệ thuật có chủ đề “Linh thiêng đất Phật” mang âm hưởng sử thi với thời lượng khoảng 90 phút diễn ra vào 20h00 ngày 24/10.
Với bố cục 3 chương: “Huyền tích chùa Keo”, “Về miền di sản”, “Vẻ đẹp bất tận”, chương trình được lên kịch bản bởi nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, Bùi Gia Huân; được cố vấn lịch sử bởi nhà sử học Lê Văn Lan.
Chương trình có sự tham gia của khoảng 300 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên đến từ các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát Chèo Thái Bình… cùng các ca sỹ NSND Thu Hiền, NSND Trọng Tấn…
Xuyên suốt chương trình có sự kết hợp hài hòa của những ca khúc tiêu biểu về Thái Bình được sáng tác qua các thời kỳ với sự tổng hòa của các thủ pháp nghệ thuật như lời bình, cảnh diễn, âm thanh, ánh sáng…
Đến thời điểm này, chính quyền địa phương đang gấp rút các khâu chuẩn bị cho Lễ hội chùa Keo mùa Thu. Huyện Vũ Thư đã thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức Lễ hội và 8 tiểu ban. Công tác tu bổ, chỉnh trang tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo cũng đã cơ bản hoàn thành, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, sẵn sàng đón du khách thập phương.
Theo Công thương
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.