Hình ảnh trung tâm thương mại Icon68 bên dưới tháp tài chính Bitexco Financial Tower, quận 1, TP.HCM vắng vẻ lan nhanh trên mạng xã hội nhiều ngày qua. Đơn vị quản lý tòa nhà bác thông tin Icon68 đóng cửa. Thay vào đó, trung tâm thương mại này sẽ bước vào cuộc cải tổ lớn, hẹn ngày đông vui trở lại.
Nằm tại góc đường Hải Triều - Hồ Tùng Mậu, khu vực sầm uất bậc nhất TP.HCM và cạnh đó là phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhưng những ngày qua, Icon68 bên dưới tháp tài chính Bitexco vẫn không mấy sống động. Lượng khách vào trung tâm thương mại này chỉ lác đác vài khách du lịch Âu - Mỹ, phần đông còn lại là nhân viên văn phòng làm việc tại tòa nhà.
Ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị cho thấy, tại tầng trệt của tòa nhà hiện nay chỉ một số thương hiệu lớn như Samsung, Adidas, Cafe Terrace, Watsons còn hoạt động. Một loạt thương hiệu khác từng “chọn mặt gửi vàng” ở Icon68 kể từ khi tòa nhà vận hành năm 2010, như Fujifilm, Mango, Pedro, Topshop Topman… đã không còn.
Tại tầng 2 của Icon68 là nhà hàng lẩu Haidilao. Sự đông đúc của Icon68 hiện nay dường như chỉ còn tập trung vào nhà hàng lẩu này.
Đại diện đơn vị quản lý Bitexco Financial Tower cho biết trung tâm thương mại Icon68 đang được cải tạo, nâng cấp. Icon68 sẽ tái định vị, những nhà hàng sang trọng sẽ được mở cửa tại đây. Ông Brian Cannon - Phó Giám đốc quản lý tòa nhà Bitexco Finacial Tower, cho biết tháng 4 năm nay, một nhà hàng cao cấp sẽ đi vào hoạt động. Tiếp sau đó các nhà hàng, dịch vụ ẩm thực cao cấp tiếp tục mở cửa trong năm nay và năm sau.
Không chỉ hoạt động thương mại bị cạnh tranh mà đài quan sát Saigon Skydeck, từng là biểu tượng một thời của Bitexco cũng đã bị "lấn lướt" bởi đài quan sát Landmark81 cách đó không xa. Và trong dịp này, Saigon Skydeck cũng sẽ được Bitexco nâng cấp. Hạng mục văn phòng cho thuê cũng sẽ được tái định vị theo phân khúc A+.
Theo Bitexco Financial Tower, sắp tới sẽ là một cuộc cải tổ lớn mang tính chiến lược, nâng cấp concept phù hợp với định vị của toà nhà. Sự thay đổi này đích thân kiến trúc sư Carlos Zapata - tác giả của công trình tòa tháp Bitexco, thực hiện. Ông đã sang thăm, trao đổi về kế hoạch cải tạo tòa nhà.
Trước Bitexco, một loạt trung tâm thương mại biểu tượng một thời tại TP.HCM cũng đã trải qua những cuộc cải tổ lớn, điển hình nhất là Parkson và Diamond.
Năm 2019, tập đoàn bán lẻ Malaysia - đứng sau Parkson Plaza, đã quyết định thay đổi diện mạo và mô hình kinh doanh tại Việt Nam. Parkson chọn thí điểm tại Parkson Saigontourist (quận 1 -TP.HCM). Họ không tập trung bán hàng cao cấp như trước, mà chuyển sang một mô hình thân thiện, gần gũi hơn.
Đại diện Parkson đánh giá sự thay đổi và nâng cấp trung tâm thương mại đầu tiên Parkson Saigontourist là “mục tiêu chiến lược quan trọng sau 14 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam”. Họ quyết định thay đổi hình ảnh chỉ đơn thuần bán hàng cao cấp thành một địa điểm mua sắm kết hợp các dịch vụ ăn uống, giải trí tích hợp (all-in-one destination) như các trung tâm thương mại khác.
Ngay sau khi Parkson Saigontourist chuyển mình, “ông lớn” thời trang Nhật Bản Uniqlo đến, sau đó là Muji và hàng loạt thương hiệu thời trang khác cũng chọn địa điểm này, đang khiến trung tâm này lấy lại sức sống, cạnh tranh trực tiếp với Vincom Đồng Khởi ở đối diện.
Parkson đang tiếp tục cải tổ trung tâm thương mại còn lại của mình tại TP.HCM, là Parkson Hùng Vương (quận 5). Với mô hình “một điểm đến nhiều dịch vụ”, nhiều khả năng nhà hàng lẩu Haidilao tiếp tục sẽ là thương hiệu giúp Parkson Hùng Vương hút khách.
Diamond Plaza cũng nối bước Parkson thực hiện một cuộc “đại trùng tu” lớn vào cuối năm 2022. Hiện, dù vẫn giữ phong cách sang trọng, nhưng cách bố trí ngành hàng tại các tầng của Diamond đã thân thiện hơn.
Phía Diamond cho biết trung tâm thương mại có khoảng 50 thương hiệu mới thuộc đủ các ngành hàng, từ thời trang, F&B, vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Đây là điều hoàn toàn khác so với Diamond trước đây. Một thương hiệu cà phê lớn từ Nhật Bản cũng sẽ mở cửa hàng mới tại Diamond Plaza.
Theo các chuyên gia, mô hình “một điểm đến nhiều dịch vụ”, tức khách có thể mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí và xem phim là xu hướng. Bằng chứng là Aeon Mall, Vạn Hạnh Mall, Vincom luôn thành công.
Các chuyên gia phân tích của Cushman & Wakefield (C&M) cho rằng, việc nhiều trung tâm thương mại lên kế hoạch, tiến hành cải tạo và tái cấu trúc mặt bằng thương mại là diễn biến tích cực của thị trường, nhất là khi các mặt bằng bán lẻ đã lỗi thời.
Theo quy định mới, giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông sẽ được định giá theo cự ly nhóm đường bay. Từ 1/1/2025, giá trần vé máy bay nội địa cao nhất sẽ là 4 triệu đồng.
Các hãng hàng không ở Việt Nam đang tích cực nhận thêm máy bay nhằm phục vụ hành khách trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Với gần 18.000 vận động viên tham dự, Giải Marathon Quốc tế TP.HCM làm sống động mùa lễ hội trong Tuần lễ Du lịch TP.HCM diễn ra từ 5-/8/12.
NVIDIA đã mua lại VinBrain -- công ty mới trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup và chuyên phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.
“Ông lớn” ngành sữa Nhật Bản là Glico chọn Việt Nam là thị trường ra mắt sản phẩm sữa bột mới dành cho trẻ em từ 3 tuổi, trước cả Nhật Bản. Phía tập đoàn đánh giá Việt Nam là một thị trường sữa rất tiềm năng.
Tháng 11, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, giá điện và giá nhà thuê là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng tăng lên.