Áp thuế VAT 5% với phân bón, nhà nước và doanh nghiệp được lợi, nông dân thiệt thòi
Thu Lê
29/10/2024 3:08 PM (GMT+7)
Nghị trưởng Quốc hội thảo luận sôi nổi về việc áp thuế VAT 5% với phân bón, các đại biểu lo ngại áp thuế sẽ làm tăng giá phân bón, khiến giá nông sản tăng cao. Theo đại biểu Lê Thị Song An, áp thuế nhà nước và doanh nghiệp được lợi nhưng nông dân thiệt thòi.
Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi.
Trong đó, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%.
Áp dụng thuế suất 5% với phân bón, nông nghiệp lại chịu thiệt thòi
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên đánh thuế 5% đối với mặt hàng phân bón, do lo ngại động thái này sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón trên thị trường, tác động trực tiếp đến người nông dân và ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm nông nghiệp.
Theo đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An), đây là loại thuế gián thu mà người cuối cùng phải chịu là người tiêu dùng, trong trường hợp này là người nông dân. Thuế suất 5% với phân bón chắc chắn sẽ dẫn tới tăng giá phân bón trên thị trường, tạo ra tác động không hề nhỏ với ngành nông nghiệp và nông dân.
Theo đại biểu, việc áp thuế với phân bón sẽ giúp tăng ngân sách khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân lại phải chịu mức phân bón tăng cao và khi giá phân bón tăng, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.
"Nếu áp dụng thuế suất 5% với phân bón, nhà nước và doanh nghiệp sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp lại chịu thiệt thòi nhất", đại biểu nhìn nhận.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề xuất đưa mặt hàng phân bón với thuế suất 0%, từ đó, các doanh nghiệp phân bón được khấu trừ thuế đầu vào và người nông dân không phải chịu tăng.
"Người dân đã rất cực, được mùa lại mất giá. Nếu bây giờ đánh thuế 5% người dân phải chịu nữa, tôi nghĩ là rất tội cho người dân", đại biểu cho hay.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) lập luận, phân bón chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất của nông dân. Việc không áp dụng thuế VAT 5% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, tăng thu nhập cho nông dân và giúp họ có điều kiện tái đầu tư vào sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.
"Trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành này là vô cùng cần thiết. Nếu áp dụng thuế VAT 5% đối phân bón, chi phí sản xuất sẽ tăng dẫn đến giá thành nông sản tăng. Điều này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, không chỉ ảnh hưởng đến nông dân mà còn tác động tiêu cực đến người tiêu dùng", đại biểu bày tỏ lo ngại.
"Áp thuế phân bón không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà cả nông dân"
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) phát biểu tại hội trường rằng việc áp mức thuế suất 5% thì các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ giá đầu vào, quy định này chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu.
Còn theo phân tích của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM), việc áp mức thuế giá trị gia tăng 5% "không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà cả nông dân."
Ông đề nghị "phân tích vấn đề rộng ra", "đừng quên doanh nghiệp là nơi hàng triệu công nhân đang làm việc nếu họ không sống được, họ phá sản thì các công nhân sẽ như thế nào?".
"Khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ sẽ chi phối được và sẽ áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng," ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Theo ý kiến của Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị), trước mắt, người nông dân có thể chịu thiệt nhưng sản xuất trong nước sẽ được đảm bảo tốt hơn, nguồn cung trong nước được đẩy mạnh, không bị phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, không lo đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cuối buổi thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình thêm về nội dung này. Theo Phó Thủ tướng, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào thuế tăng hay giảm mà còn phụ thuộc vào giá thành sản xuất, cung cầu thị trường. Khi đưa thuế vào, sẽ chủ yếu tăng giá phân bón nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước có lợi rất lớn, có điều kiện để áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành sản phẩm, giảm được giá bán cho nông dân.