Công ty TNHH M.O.I Cosmetics được thành lập tháng 10/2017, là chủ thương hiệu mỹ phẩm M.O.I với nhiều loại sản phẩm khác nhau như son môi, kem chống nắng, các loại phấn, bộ trang điểm hay sản phẩm chăm sóc da. Bà Hồ Thị Ngọc Hà (ca sĩ Hồ Ngọc Hà - Hà Hồ) và ông Lâm Thành Kim được biết đến là 2 nhà sáng lập thương hiệu này.
Theo đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, khi được thành lập, M.O.I Cosmetics có vốn điều lệ 6,8 tỷ đồng do ca sĩ Hà Hồ góp 55% vốn, ông Lâm Thành Kim góp 45% vốn.
Ông Kim cũng được nhắc đến là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật doanh nghiệp. Còn ca sĩ Hà Hồ - theo cập nhật mới nhất, là Giám đốc sáng tạo của M.O.I Cosmetics.
Tuy nhiên, tháng 10/2019 - tròn 2 năm sau khi thành lập, M.O.I Cosmetics thay đổi pháp nhân. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, công ty mỹ phẩm này từ 100% vốn trong nước thành 100% vốn nước ngoài. Chủ doanh nghiệp mới là M.O.I International Limited, trụ sở chính tại Hong Kong (Trung Quốc).
Ca sĩ Hà Hồ được ủy quyền 50% phần vốn tại M.O.I Cosmetics, tương đương giá trị vốn góp 3,4 tỷ đồng. Người được ủy quyền khác là Randy Gene Dobson (quốc tịch Hong Kong, Trung Quốc). Vốn điều lệ M.O.I Cosmetics không đổi, như khi thành lập, vẫn 6,8 tỷ đồng.
Trụ sở chính của M.O.I Cosmetics hiện tại là tòa nhà Ree Tower, Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP.HCM. Ông Lâm Thành Kim vẫn giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Thông tin đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cập nhật các thay đổi của M.O.I Cosmetics tới ngày 23/2/2021.
Ông Lâm Thành Kim từng khẳng định M.O.I Cosmetics không phải cuộc dạo chơi, mà là một chiến lược kinh doanh có đầu tư bài bản, với sứ mệnh cùng tầm nhìn rõ ràng, tham vọng đưa M.O.I trở thành một thương hiệu mỹ phẩm Việt uy tín.
Theo M.O.I Cosmetics, công ty có tốc độ tăng trưởng vượt bậc trung bình 150%/năm trong những năm qua. Ngay cả thời điểm Covid-19, M.O.I vẫn là những đơn vị start up hiếm hoi giữ được lợi nhuận dương dù gần như công ty chỉ hoạt động 6 tháng trong năm 2021.
M.O.I Cosmetics không công bố con số doanh thu của công ty. Cũng theo thông tin từ doanh nghiệp, sau 2 năm thành lập (2019), công ty có lợi nhuận. Năm 2019 cũng là năm 2 nhà sáng lập bán toàn bộ vốn cho nước ngoài.
Theo báo cáo của Euromonitor International năm 2023, M.O.I Cosmetics nằm trong top 10 thương hiệu mỹ phẩm có thị phần lớn trên thị trường.
Theo bảng thống kê này, thị phần của M.O.I tăng từ 0,9% vào năm 2018 lên 3,2% vào 2022. Còn lại, phần lớn thị phần thuộc về tay các doanh nghiệp lớn nước ngoài như L'Oréal, LG Vina Cosmetics hay Chanel, Revlon...
Mặc dù công ty đã được bán toàn bộ cổ phần cho nước ngoài nhưng M.O.I Cosmetics vẫn truyền thông "là thương hiệu mỹ phẩm nội địa duy nhất của người Việt", góp mặt trong top 10 về thị phần mỹ phẩm trang điểm.
Nhiều con số "khủng" cũng được ghi nhận trong quá trình bán hàng của M.O.I Cosmetics. Ví dụ, 30.000 thỏi son Hongocha's Secret được bán ra sau 24 giờ ra mắt, hay Hà Hồ vừa thực hiện 1 buổi livestream đầu tháng 10 năm nay.
Con số bán ra ngay tại livestream là hơn 15.000 thỏi son Love M.O.I phiên bản giới hạn. Giá bán lẻ mỗi thỏi son này là 379.000 đồng, tương ứng giá trị đơn hàng Hà Hồ bán trong 1 buổi livestream gần 5,7 tỷ đồng.
Hiện, công ty cho biết kênh bán hàng của M.O.I có độ phủ rộng với hơn 1.000 đại lý phân phối khắp cả nước, có mặt tại hơn 90 cửa hàng của các hệ thống phân phối như Guardian, BeautyBox, Hasaki, MediCare, AB Beauty World, chuỗi hệ thống trong sân bay IPP.
Công ty công bố vẫn đang mong muốn khẳng định thương hiệu mỹ phẩm nội địa trên thị trường, lấy lại thị phần mà hơn 90% đã rơi vào tay nước ngoài. "M.O.I đã tiếp thêm sức mạnh cho ngành mỹ phẩm Việt, tạo nên hình ảnh đáng tin cậy và đẳng cấp hơn trong mắt người tiêu dùng, gợi lên niềm tự hào người Việt dùng hàng Việt", trích lời bài viết mới nhất của M.O.I Cosmetics ngày 6/10.
Theo Dân trí
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.