Mới nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ.
Theo đó, Vietbank sẽ chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21%. Đồng nghĩa với việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới.
Giá cổ phiếu Vietbank bán ra trong đợt này sẽ bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/CP. Trong vòng 90 ngày kể từ khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép chào bán, Vietbank phải thực hiện phân phối số cổ phiếu đã đăng ký. Tổ chức tư vấn phát hành là Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt.
Sau đợt phát hành này, Vietbank sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết để thực hiện đúng lộ trình tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông Vietbank và Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Trước đó vào ngày 25/7/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận cho Vietbank tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Toàn bộ số vốn 1.003 tỷ đồng thu về dự kiến được sử dụng cho việc kinh doanh, đầu tư trái phiếu, bảo đảm tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong hoạt động kinh doanh và sinh lời cho Vietbank.
Trước Vietbank, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đã hoàn tất các thủ tục tăng vốn điều lệ.
Theo đó, OCB chính thức tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng (tăng 6.849 tỷ đồng), chính thức nằm trong nhóm Top 10 ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, đồng thời trở thành một trong những ngân hàng tăng trưởng vốn điều lệ mạnh nhất trong năm nay.
Giữa tháng 12 này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Văn bản số 8899/UBCK-QLCB xác nhận kết quả phát hành hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Theo đó, vốn điều lệ của VietinBank đã tăng từ 48.057 tỷ đồng lên gần 53.700 tỷ đồng.
Một loạt nhà băng khác cũng đã công bố kế hoạch trả cổ tức cho nhà đầu tư, phần lớn trả bằng cổ phiếu, từ đó góp phần tăng vốn điều lệ của mình ngay trong năm 2023 này.
Chẳng hạn, Eximbank phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ lên 17.569 tỷ đồng.
VPBank vừa chào bán xong toàn bộ 30 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên, giúp tăng tổng số cổ phiếu đang lưu hành lên 6,743 tỷ cổ phiếu, ước thu về hơn 300 tỷ đồng.
SHB cũng vừa công bố nghị quyết của HĐQT về phương án phát hành hơn 45 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, với mức giá chào bán 10.000 đồng/CP, ước thu về 451 tỷ đồng, giúp tăng vốn điều lệ lên gần 37.000 tỷ đồng. Trước đó, SHB đã hoàn tất việc phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%.
HĐQT HDBank cũng đã có nghị quyết thông qua việc phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động.
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối năm 2022, CAR tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của nhóm các ngân hàng gốc nhà nước mới ở mức 9,04%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân có CAR cao hơn khá nhiều, đạt 12,29%.
Riêng nhóm ngân hàng nước ngoài, hệ số CAR đạt 18,61%, tương đồng mức bình quân trong khu vực.
Có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ CAR giữa nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân là do tốc độ tăng vốn điều lệ chậm hơn tăng trưởng tài sản trong nhiều năm khiến tỷ lệ an toàn vốn của những nhà băng này thấp hơn so với mặt bằng chung và cận kề ngưỡng tối thiểu.
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực đã áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, trong khi các ngân hàng của Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Vì thế, thời gian qua, các ngân hàng lớn hay nhỏ đều đang đẩy mạnh hoạt động tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính tạo bộ đệm dày dặn xử lý những vấn đề, khó khăn đã, đang và sẽ có thể xảy ra theo chiều hướng xấu hơn.
"Các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng trên thế giới ngày càng thắt chặt và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Vì vậy, việc tăng vốn điều lệ của các TCTD thời gian tới là cần thiết giúp các tổ chức này phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong một nền kinh tế đầy biến động", chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, lý giải.
Trong khi đó, theo đại diện Vietbank, định hướng của nhà băng này trong năm 2024 là tăng trưởng quy mô, hoạt động an toàn, tuân thủ các quy định, nâng cao năng lực tài chính. Đồng thời ngân hàng sẽ tập trung đầu tư xây dựng nền tảng vững chắc về nhân sự, công nghệ, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng cho chiến lược phát triển lâu dài được ổn định và bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, Vietbank tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng khách hàng và tiên phong thực hiện trách nhiệm cộng đồng - xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
"Việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp Vietbank nâng cao năng lực tài chính, củng cố các tỷ lệ an toàn trong hoạt động trong đó có hệ số an toàn vốn (CAR), đặc biệt khi Vietbank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II.
Ngoài ra việc tăng vốn sẽ giúp gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo", đại diện Vietbank, chia sẻ.
Trong năm 2023, ước tính sẽ có hơn 4 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành để trả cổ tức cho nhà đầu tư. Phương thức này được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn đang phải gia tăng "bộ đệm vốn" nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II và các chuẩn cao hơn nữa.
Không ít ngân hàng đã đạt lợi nhuận khá tích cực trong 9 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, ngược với đà tăng trưởng đó, cũng có nhà băng cho thấy xu hướng đi lùi.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ phải huy động số tiền cao kỷ lục để giúp các nước thu nhập thấp, những nơi bị thiên tai và các nước không đủ lương thực cho người dân.
Bamboo Airways sẽ khai thác trở lại đường bay thường lệ tới Bangkok. Đây là động thái đầu tiên của hãng này sau một năm dừng bay thường lệ quốc tế, để tập trung tái cơ cấu.
Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM và 1 trưởng ban điều hành Dự án 4 thuộc ban này.
"Phố Nhật Bản" giữa lòng TP.HCM - đường Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1 sẽ được cải tạo, chuyển thành phố đi bộ trong thời gian 19h-23h, tương tự như đường Nguyễn Huệ.
UBND TP.HCM vừa chốt thời gian để các đơn vị hoàn thiện thẩm định bảng giá đất trên địa bàn. Theo đó, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị trình bảng giá đất trước 14h ngày 16/10.