Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay (21/9) chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về những giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Tại "Hội nghị Diên Hồng" về kinh tế này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vai trò tiên phong của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Thaco, Hòa Phát trong việc dẫn dắt nền kinh tế và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân tham gia hội nghị đã đạt khoảng 70 tỷ USD. Đây là nguồn lực quan trọng cho nền kinh tế, kết hợp với công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra sự tự chủ cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động.
Ông Dũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp lớn sẽ thực hiện vai trò tiên phong trong các lĩnh vực then chốt, đảm nhiệm vị trí dẫn đầu trong các chuỗi giá trị công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tại hội nghị, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng đưa ra ba nhóm đề xuất quan trọng.
Trong lĩnh vực giáo dục, ông Vượng đề nghị Chính phủ tăng cường đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ trong hệ thống trường công lập mà còn mở rộng cho toàn dân, hướng đến xây dựng một xã hội công dân toàn cầu. Vingroup cùng các doanh nghiệp cam kết tài trợ cho việc đưa giáo viên đến các vùng sâu, vùng xa để thực hiện chương trình này.
Về an sinh xã hội, trọng tâm là nhà ở xã hội, Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục. Ông Vượng nói trở ngại lớn nhất hiện nay là quy định về lợi nhuận 10% cho các dự án nhà ở xã hội.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện song song các quy hoạch như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết và liên khu vực, giúp giảm thời gian từ 6-9 tháng cho công tác chuẩn bị này.
Chủ tịch Vingroup cũng đề xuất Chính phủ tăng cường hoặc mở rộng hạn ngạch đầu tư đào tạo nhân lực trong các ngành công nghệ, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo (AI), và dữ liệu lớn.
Ngoài ra, ông Vượng kêu gọi Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ, góp phần xây dựng một ngành công nghiệp phụ trợ mạnh mẽ trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico, nhấn mạnh rằng đi qua nhiều thách thức, khó khăn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Bà Phương Thảo cho rằng sáng kiến của các tập đoàn Việt Nam là không giới hạn. Do đó, mong muốn Thủ tướng tin tưởng ở những doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế, môi trường cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings, cho biết KN đang hướng tới xây dựng các trung tâm công nghiệp thế hệ mới hiện đại, nơi Việt Nam có thể dần làm chủ công nghệ và phát triển mạnh mẽ các trung tâm đào tạo nghề, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Vì vậy, mong muốn Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển khu công nghiệp thế hệ mới có quy mô cạnh tranh trên phạm vi khu vực. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư và đất đai đối với phát triển hạ tầng khu công nghiệp; khuyến khích đầu tư đột phá, đảm bảo cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đa quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; xem xét cho các dự án năng lượng tái tạo đã có chủ trương đầu tư, đảm bảo triển khai nhanh…
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group đề xuất thể chế hóa, với cơ chế đặc thù cho việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, có cơ chế về giao đất, thuế đất; cơ chế ưu tiên các dự án có hiệu quả tổng hợp; tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục đầu tư theo hướng nhanh hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT; xem xét thí điểm mô hình, cơ chế đặc thù tương tự như mô hình khu kinh tế tự do trên thế giới; xem xét có chính sách thí điểm tạo điều kiện thuận lợi cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu bất động sản du lịch; có cơ chế đặc thù để hỗ trợ việc xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP nhằm kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch tiềm năng nhưng còn khó tiếp cận…
Trong khi đó, bà Thái Hương, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nhận định, đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của một dân tộc, là đầu tư vào sự phát triển mang tính chiến lược của quốc gia.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu dinh dưỡng quốc gia, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường.
Nữ doanh nhân kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm chương trình sữa học đường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để trẻ em được uống sữa bảo đảm chất lượng; tập trung đất đai, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, đưa nông dân trở thành công nhân nông nghiệp - là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.
Tại hội nghị, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group, nhấn mạnh vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển "ngành công nghiệp không khói".
Theo ông Trường, cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế-xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn REE, đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngoài ra, bà Mai Thanh cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, theo Báo Chính phủ.
Phát biểu kết luận "Hội nghị Diên Hồng" này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp phát huy 6 nội dung tiên phong.
Theo Báo Chính phủ, Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc với tinh thần "tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển".
Thủ tướng phát biểu: "Chúng tôi rất tin tưởng, tự hào vào sự trưởng thành lớn mạnh, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tham dự hội nghị".
Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành, nếu được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp thì trực tiếp lắng nghe và giải quyết dứt điểm theo chức năng, thẩm quyền của mình, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.
"Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Báo Chính phủ, Thủ tướng khẳng định các cơ quan sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đắc lực, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm xác định người dân và doanh nghiệp nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.