Thiếu vắng dự án mới
Theo báo cáo của Sở Tài chính Đồng Nai, trong những tháng đầu năm, nguồn thu từ bất động sản giảm trên 70% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 300 dự án, từ năm 2023 tới nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xuất hiện thêm một dự án mới tại huyện Nhơn Trạch. Các khu vực trọng điểm như Long Thành, Biên Hòa không có dự án mới mở bán.
Ghi nhận tại thị trường này, Dự án Aqua City của Tập đoàn Nova, diện tích hơn 400 ha được mở bán rầm rộ từ năm 2022 đang tạm dừng triển khai. Dự án Gem Sky World của Tập đoàn Đất Xanh Group với diện tích gần 100 ha sau khi bán hàng giai đoạn III, tới nay cũng dừng xây dựng và bán hàng các giai đoạn tiếp theo.
Dự án Izumi City diện tích 170 ha tại TP. Biên Hòa của Tập đoàn Nam Long được bán rầm rộ hồi năm 2022, tới nay dù còn 50% sản phẩm, nhưng doanh nghiệp cũng thông báo tạm dừng triển khai giai đoạn tiếp theo.
Tại huyện Nhơn Trạch, nơi có số lượng dự án bất động sản lớn nhất tỉnh Đồng Nai, từ năm 2020 tới nay, duy nhất Dự án Eco Village Saigon River của Tập đoàn EcoPark đang triển khai bán hàng (từ cuối năm 2023), song doanh nghiệp này cho biết, lượng hàng bán ra rất chậm. Các dự án khác như Swanbay, Swanpark… đã dừng triển khai xây dựng và bán hàng, dù quỹ đất còn khá nhiều.
Ngay cả khu vực Long Thành, nơi có sân bay quốc tế Long Thành đang xây dựng với nhiều tiềm năng phát triển thị trường bất động sản, từ năm 2023 tới nay cũng không xuất hiện dự án mới, các dự án trước đang dừng triển khai.
Ông Võ Thế Hoan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đông Nam Bộ, cho biết từ năm 2023, thị trường bất động sản Đồng Nai rơi vào tình trạng đóng băng, không có dự án mới, các dự án cũ dừng triển khai.
“Thị trường bất động sản Đồng Nai hiện chỉ có các giao dịch thứ cấp, giá bất động sản giảm mạnh 20 - 40% so với năm 2020. Việc giảm này đến từ câu chuyện cắt lỗ thu hồi vốn của giới đầu tư ”, ông Hoan nói.
Lệch pha dòng sản phẩm quá lớn
Theo giới phân tích, thị trường bất động sản Đồng Nai có nhiều yếu tố phát triển, với vị trí tiếp giáp TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Dương, có nhiều khu công nghiệp lớn, nhu cầu nhà ở của người lao động cao, tuy nhiên lại “chạy chậm” hơn các tỉnh lân cận vì cơ cấu dòng sản phẩm không đồng đều.
Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường, cho biết nhìn tổng thể thị trường bất động sản Đồng Nai, có thể thấy, chỉ có 2 dòng sản phẩm được doanh nghiệp phát triển là đất nền phân lô và nhà phố biệt thự.
“Hai dòng sản phẩm này có giá khá cao, mức giá từ 50 tới 90 triệu đồng/m2. Đây là những sản phẩm không phục vụ nhiều cho khách hàng có nhu cầu ở thực, mà đa phần dành cho giới đầu tư. Một dòng sản phẩm cốt lõi phục vụ khách hàng ở thực là chung cư thì lại vắng bóng ở Đồng Nai”, ông Hoàng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding nhận định: Nhìn tổng thể thị trường, có thể thấy, các dự án bất động sản tại Đồng Nai sau khi triển khai bán hàng, khách đã mua, nhưng lại không có người về ở, tạo ra các “dự án ma” như ở khu vực Nhơn Trạch, thậm chí cả Biên Hòa và Long Thành.
Ông Hậu nói thị trường chỉ sôi động khi các dự án được xây dựng có người về ở, còn khi triển khai bán hàng xong mà không có người về ở thì thị trường đã “đóng băng”.
“Một vấn đề nữa, đó là việc các nhà đầu tư mua dự án nhưng không thể thoát hàng, bên cạnh đó, cùng một lúc, tất cả doanh nghiệp dừng triển khai bán hàng và ra dự án mới cũng là một lý do khiến thị trường đóng băng. Lệch pha cơ cấu dòng sản phẩm, người có nhu cầu nhà ở thực là công nhân, chuyên gia tại TP. Biên Hòa lại không có dự án để họ có thể mua, cũng là điểm trừ cho thị trường bất động sản Đồng Nai”, ông Hậu nói.
Lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị, để thị trường phục hồi, thì tỉnh Đồng Nai cần cơ cấu lại dòng sản phẩm, trong đó ưu tiên cấp phép cho những dự án chung cư, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đây là dòng sản phẩm cốt lõi để thị trường hồi sinh.
Theo báo Đầu tư
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.