Thứ bảy, 27/07/2024
Điện mặt trời mái nhà có thể mang lại lợi ích đa chiều về môi trường, kinh tế - xã hội. Thực tế, nhiều mô hình kết hợp điện mặt trời với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản đã thành công ở nhiều địa phương, tạo ra những mô hình phát điện mặt trời phi tập trung với nhiều ưu thế.
Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà- Ảnh 1.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và hiện trạng điện mặt trời tại Việt Nam hiện nay?

Là nước nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho điện mặt trời. Theo một số nghiên cứu, tiềm năng ước khoảng 963.000 MW, trong đó mặt đất 837.400 MW, mặt nước 77.400 MW và mái nhà 48.200 MW.  Khu vực Trung, Nam Bộ có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn, tiềm năng điện mặt trời rất lớn. Theo nghiên cứu của Tổ chức Phát triển Đức (GIZ), tiềm năng tổng công suất điện mặt trời vùng này có thể lên tới 136.275 MW, điện lượng ước tính 216,5 tỷ kWh/năm.

Tính đến hết năm 2023, tổng công suất điện mặt trời tại Việt Nam khoảng 16.600 MW, trong đó có hơn 9.000 MW điện mặt trời mái nhà, chiếm khoảng 20,5% trong tổng lượng điện của cả nước. Quy hoạch điện 8 cũng đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1- 291,5 tỷ kWh. Như vậy, mục tiêu định hướng đến năm 2050, điện mặt trời sẽ là loại hình điện lớn nhất, chiếm hơn 38,5% trong tổng công suất các nguồn điện ở nước ta.

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà- Ảnh 2.

Đã có Nghị quyết số 55-NQ/TƯ “Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước”. Cho đến nay, ngành điện lực đã có cơ chế gì để hiện thực hóa nghị quyết này, thưa ông?

Quy hoạch điện 8 đề ra mục tiêu phát triển mạnh về điện mặt trời, nhưng những chính sách đối với lĩnh vực điện mặt trời vẫn còn lúng túng, chưa rõ ràng. Những năm gần đây, giá than tăng gấp 3 lần, có thời điểm gấp 4 - 5 lần, nhưng cơ cấu nguồn phát điện vẫn phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch với chi phí biến động và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, môi trường.

Trong khi đó, hàng loạt dự án điện mặt trời đã được đầu tư lại vướng về thủ tục, không chỉ riêng đối với ngành điện, mà còn gặp trắc trở với nhiều bộ,  ngành, địa phương liên quan đến cơ chế mua - bán, thủ tục xây dựng - đầu tư,... khiến doanh nghiệp điện sạch phải cắt giảm công suất.

Bài toán an ninh năng lượng của Việt Nam phải tìm được lời giải tối ưu đồng thời cho ba biến số là: cung, cầu và cân đối cung cầu, được hỗ trợ bằng khung thể chế và hành lang pháp lý. Sự phát triển bùng nổ của các mô hình điện mặt trời và điện gió hay các mô hình sản xuất điện phân tán chính là bước đi mới trong chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Tiếc thay, những bước đi mới còn chập chững này gặp ngay rào cản cơ chế. Việt Nam vẫn chưa có một thị trường điện cạnh tranh, cơ chế độc quyền vẫn tồn tại. Sự can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính trong bối cảnh hiện nay là không còn phù hợp, cần được đặt trong tổng thể lợi ích của người dân, xã hội, tránh tạo ra cú sốc lớn.

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà- Ảnh 3.

Vậy theo ông, đâu là những điểm nghẽn trên thực tiễn khi phát triển điện mặt trời?

Thực tiễn triển khai đầu tư phát triển điện mặt trời ở các địa phương đang vướng nhiều điểm nghẽn. Có thể nêu ra 3 điểm nghẽn nổi lên cần được nhận diện để tháo gỡ.

Thứ nhất, vướng mắc từ nền tảng pháp lý, cơ chế chính sách và quy định hiện hành. Hiện đang có sự chồng chéo trong quy định của các văn bản, dẫn đến cách hiểu và thực thi chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư điện mặt trời.

Trong Quy hoạch điện 8 có đề ra con số công suất cho loại điện mặt trời vào năm 2030 và năm 2050, theo đó từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời tăng thêm 4.100 MW. Trong vấn đề này, nhiều người đang hiểu rằng đây là con số khống chế cho điện mặt trời và có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương cần phân bổ “quota” được phép lắp đặt điện mặt trời cho từng địa phương.

Trong Quy hoạch điện 8 cũng đặt ra mục tiêu vào năm 2030, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu sẽ đạt độ bao phủ 50% số tòa nhà công sở, nhà dân. Vậy điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có nằm trong số 4.100 MW tổng công suất điện mặt trời đến năm 2030 hay không?

Hiện cơ chế mua bán điện và cơ chế giá điện vẫn tồn tại nhiều bất cập. Khách hàng mua nhiều sản phẩm điện không được khuyến khích mà còn phải chịu gánh giá điện cao để bù chéo cho sản xuất công nghiệp thâm dụng năng lượng, với việc khoảng 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã tiêu thụ đến 1/3 lượng điện năng toàn quốc. Nếu không kịp chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản xuất sạch thì phát triển “kinh tế thâm dụng” sẽ luôn là gánh nặng về điện.

Thứ hai, sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo và sự yếu kém của hạ tầng lưới điện cũng là một điểm nghẽn lớn. Đa số các đường dây, trạm biến áp từ 110-500 kV nhiều nơi quá tải, có nơi quá tải lên đến 360%.

Thứ ba , thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, mới ở bước sơ khai, mới vận hành thí điểm “phát điện cạnh tranh” theo cơ chế thí điểm, chưa có thị trường bán điện cạnh tranh nên giá điện vẫn là vấn đề nóng, đã ảnh hưởng đến đầu tư phát triển năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng.

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà- Ảnh 4.

Hình như có sự hiểu chưa đầy đủ về khái niệm và quy mô điện mặt trời được ghi trong Nghị quyết số 55-NQ/TƯ, thưa ông?

Về khái niệm “điện mặt trời áp mái nhà”, trong khi Nghị quyết số 55-NQ/TƯ mang tính định hướng và thông thoáng “Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước”, thì hàng loạt các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện lại chỉ mang tính bó hẹp với khái niệm “điện mặt trời mái nhà”. Điều đó đã cản trở, làm khó, ngăn cản đầu tư hiệu quả, tiết kiệm các dự án đầu tư điện mặt trời áp mái trường học, kho xưởng.

Đối với các dự án điện mặt trời trên mặt nước (nuôi thủy sản) và mặt đất (sản xuất nông nghiệp), đầu tư lồng ghép “mục tiêu kép” của các trang trại càng không thể được thực hiện. Trong khi thực tế các nghiên cứu, thực nghiệm đã xuất hiện nhiều mô hình kết hợp điện mặt trời với sản xuất nông nghiệp, thủy sản và du lịch thành công ở nhiều địa phương, tạo ra những  mô hình điện mặt trời phi tập trung với nhiều ưu thế. Bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực sẽ giúp người dân tối ưu được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng thu nhập.

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà- Ảnh 5.

Vậy ông có những đề xuất, kiến nghị gì đối với lĩnh vực điện mặt trời?

Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Điều đáng mừng là trong dự thảo đã đưa chủ trương với điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, loại hình này ưu tiên phát triển không giới hạn công suất. Chúng tôi mong muốn trong Nghị định cần làm rõ thế nào là “tự tiêu”, tự tiêu là tự sử dụng hay tự tiêu thụ?

Chúng tôi kiến nghị Nghị định nên nêu rõ rằng loại hình điện này có thể bán cho các hộ gia đình hoặc đối tác lân cận theo cơ chế tự thỏa thuận giá bán. Bởi vì trong sản xuất hàng hóa, sử dụng điện mặt trời không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn tạo lợi thế cho sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh theo yêu cầu phía đối tác nhập khẩu.

Các doanh nghiệp đồ gỗ, da giày, dệt may, nhuộm cùng nhiều cơ sở sản xuất khác trong nước cũng đã cho biết phía đối tác đề nghị họ đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng nếu muốn đáp ứng các tiêu chí phát thải khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước nhập khẩu như thị trường Liên minh châu Âu (EU). Do đó, cần đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt các dự án điện mặt trời mái nhà, để mô hình nhanh được phục vụ cộng đồng, tiêu chuẩn hóa các khâu kỹ thuật và công nghệ để thúc đẩy nhanh phát triển mô hình này.

Để nâng cao năng lực tiếp nhận và lưu thông điện mặt trời, Nhà nước cần đầu tư phát triển hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với sự tăng trưởng nguồn phát điện, trong đó có điện mặt trời. Đồng thời, cần thiết lập hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu chuyên ngành điện, thúc đẩy nhanh hơn sự vận hành thị trường điện cạnh tranh.

Cần có quy hoạch không gian và đầu tư cho kết hợp năng lượng và sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân và cộng đồng. Ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến khích năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế xanh đòi hỏi sự quyết đoán về mặt cơ chế, chính sách, thủ tục và phải triển khai ngay từ bây giờ.

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà- Ảnh 6.

VnEconomy.vn