Thứ sáu, 22/11/2024

Tâm lý thị trường đang đẩy giá vàng miếng đi lên

13/05/2024 8:51 AM (GMT+7)

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho rằng, giá vàng miếng SJC tăng nóng là do tâm lý thị trường trong nước đẩy giá lên trong thời gian gần đây.

Tâm lý thị trường đang đẩy giá vàng miếng đi lên- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam

Ông nhận định và dự báo như thế nào về xu hướng giá vàng quốc tế trong thời gian tới?

Giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 2.350 USD/ounce, nhưng hiện cũng đã phần nào bộc lộ và có khả năng sẽ ổn định từ nay đến tháng 9/2024, tùy thuộc vào lạm phát của Mỹ. Nhưng điều quan trọng là tình hình địa chính trị trên thế giới như cuộc chiến Nga - Ukaraine còn căng thẳng, lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao. Lộ trình giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng được cho là sẽ thực hiện vào cuối năm nay.

Thêm vào đó, nhu cầu vàng của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc tăng cao. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng miếng của Trung Quốc trong quý đầu năm 2024 tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện mức giá 2.400 USD/ounce không còn xa, thậm chí còn có dự báo cho rằng, khả năng vàng sẽ lên mức 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay.

Thông thường, giá vàng quốc tế tăng sẽ kéo theo giá trong nước đi lên, nhưng quy đổi theo tỷ giá tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 10/5, giá vàng thế giới đang ở mức 72 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện giá bán mỗi lượng vàng miếng SJC ở trong nước đắt hơn thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng. Nhưng với đà đi lên của giá vàng SJC hiện nay, chênh lệch giá vàng SJC ở trong nước và thế giới có thể nhanh chóng tăng lên 20 triệu đồng/lượng.

Theo ông, điều gì đã khiến giá vàng miếng SJC tăng phi mã, vượt qua ngưỡng 90 triệu đồng/lượng?

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đấu giá vàng, nhằm tăng cung cho thị trường, giải quyết bài toán cung - cầu vàng miếng trên thị trường nội địa khi vẫn còn độc quyền nhãn hiệu SJC và chưa cho nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, do lượng vàng đấu thầu ít (chỉ vài chục ngàn lượng), kết quả trúng thầu qua 2 phiên đấu giá thành công chỉ có 6.800 lượng, chỉ mới đáp ứng được khoảng 2 - 3% nhu cầu thị trường. Trong khi đó, cầu thị trường cao hơn khoảng vài chục lần.

Đồng thời, giá tham chiếu trong các phiên đấu thầu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng cao hơn giá vàng trên thị trường, nên kết quả trúng thầu thấp, lượng vàng đưa ra thị trường ít, khó đáp ứng được nguồn cung. Từ đó, tạo tâm lý thị trường càng kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng, khiến nhiều người chưa mua được vàng đứng ngồi không yên. Không loại trừ việc một số người đã rút tiền mua vàng, song để mua được lượng vàng miếng SJC lớn trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ. Bởi cung vàng SJC trên thị trường khan hiếm, ít người bán, nên doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng không còn nhiều hàng để đáp ứng hết cầu vàng miếng SJC của khách hàng.

Không ít ý kiến cho rằng, đấu thầu vàng hiện nay cũng chỉ được xem là giải pháp tình thế, trấn an thị trường? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Có thể đấu thầu vàng hiện được cho là giải pháp tình thế, trấn an tâm lý của thị trường. Nhưng nếu chúng ta không thực hiện hiệu quả, có khi lại phản tác dụng. Mục đích của đấu thầu vàng là nhằm cung ứng thêm lượng vàng ra thị trường, tăng cung và bình ổn giá. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu rằng, trước bối cảnh thị trường hiện nay, khi áp lực tỷ giá đang cao, giá vàng và lãi suất đều tăng, nên Ngân hàng Nhà nước cũng đang phải cân đối và cân nhắc kỹ giữa bài toán tỷ giá, lãi suất và nhập khẩu vàng. Chủ trương của Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế . Trong khi đó, trước áp lực tỷ giá tăng, lãi suất cũng đang tăng trở lại. Đây cũng là bài toán khó cho nhà điều hành khi phải cân đối giữa tỷ giá, lãi suất, vàng.

Vậy theo ông, giải pháp nào để ổn định thị trường vàng và bình ổn giá vàng?

Theo tôi, giải pháp sắp tới là Ngân hàng Nhà nước cũng nên cân nhắc đưa ra lượng vàng đấu thầu nhiều hơn một chút, tất nhiên là phải cân nhắc bài toán kiểm soát tỷ giá và nhập vàng, tức là chỉ nhập một lượng vàng vừa phải mà không tác động lên tỷ giá. Đồng thời, sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép một số doanh nghiệp có uy tín nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu vừa phải… Có như vậy, thị trường vàng mới ổn định, giá vàng SJC không bị tâm lý thị trường đẩy lên mức khá cao khiến chênh lệch với giá quốc tế quá cao như hiện nay.

Theo Đầu tư

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.