Thứ sáu, 03/05/2024

Tiêu dùng tăng thấp, kinh tế trong nước còn khó khăn?

N.L

09/04/2024 8:19 AM (GMT+7)

So với trước dịch COVID-19, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng thấp. Đây là dấu hiệu nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng kinh tế.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I đã phục hồi và đạt mức tăng như trước dịch COVID-19, xuất khẩu khởi sắc mạnh mẽ nhưng chỉ số tiêu dùng vẫn cho thấy nhiều yếu tố lo ngại. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%).

Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu

Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), bình quân 5 năm trước dịch, giai đoạn (2015 - 2019), tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5%/năm. "Mức tăng 8,2% trong quý I là mức tăng trưởng rất thấp so với thời điểm trước dịch. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước đang ở mức thấp do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức", bà Phương đánh giá.

Số liệu từ Sở Công Thương TP.HCM mới đây cho thấy, lượng hàng hóa tại hệ thống chợ chiếm 60 - 65% tổng lượng hàng cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố. So với lúc trước dịch, hiện lượng khách đến mua sắm tại chợ truyền thống hầu hết đều giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là ngành vải, mất tới 90%; các mặt hàng thực phẩm giảm thấp nhất, từ 10 – 30%.

Với ngành đồ uống, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, nhận định ngành là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các ngành hàng liên quan từ thương mại, vận tải, nhà hàng, thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển và luôn tiên phong trong các hoạt động cộng đồng và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, ngành đồ uống đã gặp rất nhiều khó khăn do COVID- 19, các cuộc xung đột trên thế giới, dẫn tới đã và đang sụt giảm mạnh từ doanh thu, lợi nhuận, kéo theo đó là cả hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào cũng chịu tác động gián tiếp và giảm doanh thu khá cao từ 15 - 20%, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30 - 40%...

Tiêu dùng tăng thấp, kinh tế trong nước còn khó khăn?- Ảnh 1.

Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nội địa tăng trưởng thấp.

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra thách thức, khó khăn, những điểm đáng lo của nền kinh tế. Trong đó, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019.

"Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân; thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn…

Theo đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Nan giải bài toán kích cầu

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5 để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Qua đó, giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Song, với ngành du lịch nội địa, một trong những lo lắng hiện nay là giá vé máy bay cao chót vót, khan hiếm dẫn tới nhiều người dân "quay xe" lựa chọn du lịch quốc tế. Nếu không có giải pháp căn cơ về vấn đề này, việc kích cầu tiêu dùng thông qua cho phép người lao động nghỉ dài ngày trở nên kém hiệu quả hơn đối với mục tiêu ở trên.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nếu chỉ kích cầu đầu tư thông qua việc giảm, miễn, gia hạn các loại tiền phí, lệ phí, các loại thuế và tiền thuê đất làm giảm chi phí đầu vào nhưng nếu đầu ra không tiêu được thì không thúc đẩy được sản xuất, kinh doanh vì hàng hóa, dịch vụ làm ra biết tiêu đi đâu.

Trước những lo ngại, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa, tăng cường và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Tiếp tục phát huy nội lực của thị trường hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Theo đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp tăng tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Trong đó, đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đa dạng kênh phân phối hàng hóa dịch vụ... ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường thúc đẩy du lịch thông qua ngoại giao du lịch, kích cầu du lịch nội địa, giải pháp phát triển tốt dịch vụ lưu trú ăn uống.

Theo vnbusiness.vn


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bất động sản Phát Đạt bị thu hồi dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Bất động sản Phát Đạt bị thu hồi dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa quyết định thu hồi dự án nhà thi đấu thể thao Phan Đình Phùng từ Phát Đạt để chuyển sang hình thức đầu tư công do công ty này chưa thể triển khai thi công.

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

Ngày 26/4, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã họp thường niên, thông qua kết quả năm 2023 và kế hoạch năm 2024 với mục tiêu “Tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số” cùng với kỳ vọng tái cơ cấu thành công trước thời hạn.

Lý do xe điện Trung Quốc BYD khó thành công khi bán ở Việt Nam

Lý do xe điện Trung Quốc BYD khó thành công khi bán ở Việt Nam

Sắp tới, thị trường ô tô sẽ thêm sôi động với sự góp mặt của BYD, "trùm" xe điện đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, BYD có thành công hay không khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trước khi mở bán chính thức?

Thành lập Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: Mục tiêu đào tạo ra sao?

Thành lập Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: Mục tiêu đào tạo ra sao?

Trực thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo vừa thành lập đặt mục tiêu đào tạo và phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030.

Nhà thuốc Long Châu thu gần 61 tỷ đồng mỗi ngày, đang tiếp tục mở rộng ồ ạt

Nhà thuốc Long Châu thu gần 61 tỷ đồng mỗi ngày, đang tiếp tục mở rộng ồ ạt

Trung bình mỗi ngày, chuỗi nhà thuốc Long Châu thu gần 61 tỷ đồng. Chuỗi này tiếp tục có kế hoạch mở thêm 400 nhà thuốc trong năm nay.

Bất động sản giáp ranh TP.HCM tiếp tục hưởng lợi từ hạ tầng

Bất động sản giáp ranh TP.HCM tiếp tục hưởng lợi từ hạ tầng

Khu vực giáp ranh TP.HCM đang hưởng lợi rất lớn từ hạ tầng, giao thông. Đây là trợ lực quan trọng giúp các doanh nghiệp dịch chuyển xu hướng đầu tư, phát triển sản phẩm nhà ở khu vực tiệm cận.