Trong đó, bao gồm 1.810ha thuộc khu vực xây dựng dự án và 722ha thuộc khu vực dự trữ đất. Như vậy, về cơ bản ACV đã nhận bàn giao 100% mặt bằng sạch để thi công.
Mặc dù vậy, ACV cũng cho biết, hiện trạng giải phóng mặt bằng đang khá gian nan đối với 2 tuyến giao thông kết nối vào dự án.
Về tương quan, tổng diện tích xây sân bay Long Thành rộng hơn 1,68 lần so với Changi (Singapore) - sân bay tốt nhất châu Á và tương đương Đại Hưng Bắc Kinh (Trung Quốc) - sân bay bận rộn nhất châu Á.
Cụ thể, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đã bàn giao 60,28ha trên tổng số 66,45ha, đạt tỷ lệ 90,72% đối với tuyến số 1.
Đối với tuyến số 2, ACV mới chỉ nhận bàn giao 20,50ha trên tổng số 59,68ha, đạt tỷ lệ 34,35%.
Do tuyến số 1 và tuyến số 2 là đường vào chính của dự án nên ACV đề nghị địa phương đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng và bàn giao đối với phần diện tích còn lại, tránh tình trạng "xôi đỗ", ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Về kinh phí, đại diện ACV khẳng định, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.600 tỷ đồng đã được ACV chuẩn bị sẵn và chuyển ngay cho địa phương khi có quyết định chi trả do UBND huyện Long Thành phê duyệt cho từng đợt.
Bên cạnh khó khăn trong vấn đề mặt bằng, dự án sân bay Long Thành vẫn đang chạy đua khối lượng của gói thầu san nền, thoát nước.
Tính đến tháng 10/2023, tổng khối lượng đào đắp thực tế đã thực hiện khoảng 102 triệu m3 trên tổng số 115 triệu m3, đạt trên 88% tổng khối lượng thi công.
Các khu vực đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và các khu vực bố trí cho các dự án thành phần 1, 2, 4 đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra, đảm bảo thi công đồng bộ các hạng mục nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay.
Công tác thi công san nền các khu vực ưu tiên để bàn giao cho thi công kết cấu công trình chính đã hoàn thành, đáp ứng tiến độ trọng điểm 15 tháng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cũng theo ACV, để triển khai các nhà thầu đã huy động gần 3.000 người, trực tiếp hơn 2.000 cán bộ chuyên gia giám sát, chỉ huy trưởng, cán bộ thi công, nhân viên, công nhân và nhiều trang thiết bị máy móc... Đồng thời, ACV sẽ tiếp tục tăng cường năng lực cho Ban Quản lý dự án và làm việc với các đơn vị tư vấn hàng đầu về sân bay như NACO, TUNER, Artelia, Hill international, Misa... để thuê các chuyên gia hỗ trợ quản lý dự án.
Dự án sân bay Long Thành triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD gồm một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm.
Dự án được chia thành 4 thành phần. Dự án thành phần 1 là các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được giao cho hải quan, công an địa phương, công an cửa khẩu, cảng vụ, kiểm dịch y tế... bố trí nguồn vốn thực hiện.
Dự án thành phần 2 là các công trình phục vụ quản lý bay, giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 3 là các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, giao thông kết nối do ACV đầu tư.
Dự án thành phần 4 gồm các công trình khác như khu xử lý vệ sinh tàu bay, bảo trì phương tiện, cung cấp suất ăn... do Bộ GTVT lựa chọn chủ đầu tư.
Trước đó, ngày 16/10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra công trường xây dựng sân bay Long Thành.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận: Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ và người dân quan tâm. Thực tế, chưa có công trình nào ở Việt Nam sánh được với sân bay Long Thành về kỹ thuật, quy mô, tổng mức đầu tư. Vì vậy, dự án về đích sẽ chứng minh được năng lực của các nhà thầu Việt Nam để tương lai có thể tiếp cận thêm nhiều dự án lớn.
"Do đó, các nhà thầu cần tăng tốc, đảm bảo tiến độ các hạng mục để đưa dự án về đích đúng hẹn. Đây là một công trình có tính lịch sử đối với ngành giao thông. Ai làm tốt phải được khen thưởng động viên, ai làm sai sẽ bị xử phạt, kỷ luật. Nhà thầu nào yếu kém sẽ cho rời khỏi công trình", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Theo báo Chính phủ
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.