Chủ nhật, 24/11/2024

Vá lỗ hổng ngành bảo hiểm

24/05/2023 3:05 PM (GMT+7)

Bảo hiểm liên tục xảy ra những vụ việc gây tranh cãi là lời cảnh báo có tính hệ thống của thị trường này.

Vá lỗ hổng ngành bảo hiểm - Ảnh 1.

Hợp đồng bảo hiểm có những thuật ngữ chuyên ngành phức tạp, khó hiểu. Ảnh: Quý Hòa

Gần 3 tuần sau buổi livestream khóc lóc của diễn viên Ngọc Lan, kể việc mình bị lừa khi tham gia bảo hiểm, theo khảo sát từ YouNet Media, lượng thảo luận trên mạng xã hội về chủ đề này đã lên tới gần 850.000, tức trung bình 44.557 thảo luận/ngày. Đây là một con số lớn gấp đôi 16 cuộc khủng hoảng trước đó trong ngành bảo hiểm, tính từ năm 2020-2022.

Trong tất cả các cuộc thảo luận ấy, theo YouNet Media, xấp xỉ 80% là công khai chỉ trích công ty bảo hiểm và ngành bảo hiểm nhân thọ nói chung. Tình hình nghiêm trọng đến mức, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, phải thốt lên: “Trong lịch sử phát triển gần 30 năm qua, chưa bao giờ ngành bảo hiểm lại rơi vào cuộc khủng hoảng lớn như thế!”.

Tất cả nỗi bất bình của người dân đều quy về một đặc điểm mà như ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Giám đốc Chương trình đào tạo Thạc sĩ Tài chính và Kế toán, Đại học Bristol, nhận thấy: “Khách hàng đã bị tư vấn sai lệch hoặc không đầy đủ”.

CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA NGÀNH BẢO HIỂM 

Khi 146 đơn gửi đến văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM với tố cáo khách hàng bị tư vấn mập mờ, bẻ lái sang gói “Tâm an đầu tư”, Manulife Việt Nam phải vào cuộc và chấp nhận cho khách hàng được hủy hợp đồng cũng như nhận lại tiền. 

Chưa rõ cách thức của Manulife có dập tắt được cơn khủng hoảng không, nhưng rõ ràng, hình ảnh tư vấn bảo hiểm đã xấu đi rất nhiều.

Vá lỗ hổng ngành bảo hiểm - Ảnh 2.

Hiện tại, theo số liệu sơ bộ, lực lượng tư vấn bảo hiểm đã hơn 720.000 người. So với con số gần 1 triệu người của vài năm trước thì số lượng đại lý bảo hiểm đã giảm.

Nhưng chuyên gia bảo hiểm Khuất Thanh Bình cho rằng: “Thị trường bảo hiểm chỉ nên có khoảng 20.000 đại lý là đủ. Và thay vì chạy theo số lượng, các công ty cần nâng cấp chất lượng đội ngũ”.

Theo ông Bình, với thời gian đào tạo cấp mã chứng chỉ rút ngắn 1/5 so với những năm 2000, với việc cất nhắc lên trưởng nhóm quá dễ (chỉ cần vài hợp đồng), chất lượng đội ngũ tư vấn bảo hiểm đang giảm sút. Với chất lượng này, cộng thêm cách thức chạy theo số lượng hợp đồng, chạy theo doanh số, ngành bảo hiểm đang “lệch hướng” dẫn đến nhiều vụ việc gây tranh cãi và làm mất niềm tin nơi khách hàng.

Thu nhập của người tư vấn bảo hiểm liên quan chặt chẽ đến các hợp đồng ký mới. Theo một số chia sẻ của những người trong ngành, nếu tư vấn viên đạt doanh số 2-3 tỉ đồng/năm (khoảng 100 hợp đồng), ngoài hoa hồng hấp dẫn (25-35% hợp đồng năm đầu tiên), người tư vấn sẽ còn hưởng thêm phần lương thưởng khá cao (20-30 triệu đồng/tháng). 

Đây là lý do nhiều tư vấn viên tìm mọi cách mời chào, chốt hợp đồng bảo hiểm và đưa đến tình trạng tư vấn mập mờ, gây nên xung đột, bất bình như hiện nay.

Chưa có thống kê về số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị hủy trong 2 năm đầu tham gia nhưng giới phân tích dự đoán, đó là con số không nhỏ. Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của TC Advisors (TCA), từng đề xuất, ngành bảo hiểm cần quản lý tỉ lệ duy trì hợp đồng như ngân hàng quản lý nợ xấu.

Thực tế, sau 30 năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao, có giai đoạn (2012-2018) tăng trên 30%/năm. Trong đó, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

GIẢI PHÁP BỀN VỮNG 

Ông Võ Nhật Vinh, chuyên gia nghiên cứu và phát triển tại Khu Công nghệ Sophia Antipolis (Pháp), nhận thấy: “Chính vì đẩy khách hàng vào kênh đầu tư tài chính thay vì quan tâm tới giá trị cốt lõi của sản phẩm bảo hiểm mà thị trường bảo hiểm Việt Nam mới bát nháo như hiện nay”.

Theo ông Vinh, các cơ quan quản lý cần sớm rà soát lại nội dung các hợp đồng bảo hiểm cũng như hoạt động tư vấn để đưa bảo hiểm trở về lại gốc, tức tập trung vào quản lý rủi ro. Có như vậy, nhân viên tư vấn mới không vì lợi ích riêng mà bẻ lái, tung hỏa mù khi tư vấn.

Ở góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng chính vì các tư vấn viên gần như không phải chịu trách nhiệm gì khi tư vấn sai và các công ty bảo hiểm thường căn cứ hợp đồng để khẳng định mình đúng luật, nên khi đụng chuyện, khách hàng thường là bên yếu thế và bị thiệt hại.

Để bảo vệ người tiêu dùng, ở Anh có hẳn cơ quan chuyên trách. Mỹ cũng bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ thông qua Cục Bảo vệ Người tiêu dùng (BCP) của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), Ủy ban An toàn Sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) và hàng trăm tổ chức khác. Tất cả để ngăn chặn việc các công ty bán những sản phẩm không cần thiết, không phù hợp đến khách hàng. 

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng thường có những hoạt động điều tra định kỳ và phạt nặng những công ty vi phạm.

Ở Việt Nam cũng có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng nhưng vai trò của tổ chức này còn mờ nhạt. Ông Huân cho rằng các công ty bảo hiểm có thể ra quy định tư vấn phải được ghi âm. Như vậy, các công ty sẽ có cơ sở để đánh giá chất lượng tư vấn, phân định lỗi nếu có tranh chấp, còn khách hàng có bằng chứng để bảo vệ mình. 

Các công ty cũng có thể thêm bước kiểm tra lại với khách hàng về các điều khoản, thông tin quan trọng trong hợp đồng. Doanh nghiệp có thể chừa một mặt giấy trong hợp đồng cho khách hàng ghi lại các điểm họ đã nắm, đã hiểu về sản phẩm trước khi đặt bút ký hợp đồng.

Dù là người trong ngành tài chính nhưng ông Huân khẳng định, hợp đồng bảo hiểm có những thuật ngữ chuyên ngành phức tạp, khó hiểu. Tuy nhiên, thay vì đặt niềm tin và giao phó hết cho người tư vấn, thì khách hàng vẫn cần dành thời gian đọc kỹ hợp đồng, cần tìm hiểu và nắm rõ thông tin chi tiết trong hợp đồng. 

Vì bảo hiểm khá chuyên biệt và hợp đồng bảo hiểm cũng có nhiều thuật ngữ, nên làm sao cho người dân hiểu biết về bảo hiểm là bước đi cần thiết để ngành bảo hiểm phát triển bền vững hơn. Càng nắm rõ sản phẩm, khách hàng sẽ chọn mua bảo hiểm trên nhu cầu thực và có thể tăng khả năng tự chịu trách nhiệm với hợp đồng mình ký.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Một số đường bay "vàng" dịp Tết đang cháy vé máy bay giá rẻ

Một số đường bay "vàng" dịp Tết đang cháy vé máy bay giá rẻ

Nhu cầu mua vé máy bay về quê đón Tết của người dân liên tục tăng khiến một số đường bay "vàng" từ TP.HCM đi các địa phương đang khan hiếm vé giá rẻ.

Logistics trọn gói trở thành dịch vụ "hot"

Logistics trọn gói trở thành dịch vụ "hot"

Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.

Thủ tướng: Can thiệp quản lý hành chính vào doanh nghiệp sẽ làm méo mó thị trường

Thủ tướng: Can thiệp quản lý hành chính vào doanh nghiệp sẽ làm méo mó thị trường

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.

Hơn 30 đơn vị điện ảnh ký đơn xin không tăng thuế lĩnh vực văn hoá

Hơn 30 đơn vị điện ảnh ký đơn xin không tăng thuế lĩnh vực văn hoá

Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.

Trước ngày Đại hội cổ đông bất thường, Chủ tịch Tập đoàn 911 đột ngột qua đời

Trước ngày Đại hội cổ đông bất thường, Chủ tịch Tập đoàn 911 đột ngột qua đời

Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.

Săn hàng khuyến mãi Black Friday sớm, giảm giá tới 80%

Săn hàng khuyến mãi Black Friday sớm, giảm giá tới 80%

Thời điểm này, dù còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday, nhưng theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, không khí giảm giá sớm đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người tranh thủ đi mua sắm sớm.