Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2022 đạt 42 - 43 tỷ USD. Nửa đầu năm, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp rất thuận lợi, nhiều nơi tăng trưởng vượt mức trước dịch nhưng giai đoạn nửa cuối năm, nhiều khả năng sẽ không dễ dàng như vậy.
6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc, kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu vải, xơ sợi, phụ liệu dệt may, vải không dệt cũng đều tăng từ 4-25% so với cùng kỳ.
"Nửa đầu năm nay là một trong những kỳ 6 tháng tốt nhất của chúng tôi trong khoảng 10 năm trở lại đây. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 tăng 44% so với cùng kỳ, thậm chí tăng 30% so với 6 tháng đầu năm 2019, tức trước dịch. Lợi nhuận của chúng tôi tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất tốt sau hơn 2 năm chịu tác động tiêu cực của Covid-19", ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May 10, hồ hởi nói.
Tuy nhiên, May 10 và các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang phải đối đầu với nhiều khó khăn trong giai đoạn nửa cuối năm.
Theo ông Việt, ngoài dịch Covid-19 khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí logistics thì xung đột Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng và nguyên vật liệu trên toàn cầu tăng rất cao. Cuộc chiến chưa có dấu hiệu chấm dứt nên đẩy lạm phát tăng cao. Hậu quả là giá nguyên liệu đầu vào của ngành may mặc tăng cao trong khi người tiêu dùng trên thế giới cắt giảm chi tiêu.
"Cuối quý III, quý IV/2022, các đơn đặt hàng đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí chững lại trong thời gian khá dài từ 3-6 tháng với lý do hàng tồn kho tăng cao. Khi tồn kho cao, họ không đặt tiếp đơn hàng cho các mùa tiếp theo", ông Việt nói.
Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - ông Phạm Xuân Trình, cũng xác nhận nửa đầu năm 2022, tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra. Nhưng từ tháng 7 trở đi, sức cầu xuống thấp, đơn hàng giảm vì các khách hàng phải tập trung giải quyết hàng tồn. Lạm phát xảy ra trên toàn cầu, chiến sự tại Nga - Ukraine, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhu cầu hàng may mặc giảm khiến tình hình xuất khẩu nửa cuối năm của các doanh nghiệp gặp khó.
Trước bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may cho biết họ đang chia kế hoạch theo từng chu kỳ ngắn để có biện pháp thích ứng linh hoạt.
Trước mắt, các doanh nghiệp tập trung giải pháp quản trị chi phí, quản trị năng suất, linh hoạt trong quá trình hoạt động, tổ chức sản xuất khi có đơn hàng gấp, giao hạn đúng hàng. Lúc không có đơn hàng, bố trí cho người lao động nghỉ bù.
"Chúng tôi luôn cân bằng cho các thị trường lớn, cố gắng tìm kiếm khách hàng mới, thay vì làm sản lượng lớn thì làm trình độ cao hơn, giá trị cao hơn, phân khúc cao hơn, mang tính thời trang hơn. Với mục tiêu này, chúng tôi có thể sắp xếp các đơn hàng cuối tháng 10/2022", Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt, cho biết.
Giám đốc điều hành Vinatex Phạm Xuân Trình nhận định dệt may là ngành quan trọng mà nhiều nước trên thế giới đang tập trung, do đó, tính cạnh tranh trên toàn cầu rất cao. Việt Nam có nhiều lợi thế trong ngành dệt may, tuy nhiên, theo ông để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt cần phải mạnh dạn đầu tư máy móc, chuyển đổi số.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang đánh giá ngành dệt may Việt Nam đang trải qua những thăng trầm. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu khá khả quan với hơn 22 tỷ USD, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành năm nay là 42 - 43 tỷ USD.
Theo ông Giang, ngành đang diễn ra Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt may - Thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 tại TP.HCM từ 27-30/7. Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất và có ưu thế nhất về ngành dệt may được tổ chức lại kể từ năm 2019, sau hai năm nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Ông Giang kỳ vọng các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng cơ hội từ triển lãm này, bởi triển lãm cung cấp thông tin cũng như máy móc, thiết bị, công nghệ mới nhất; tạo môi trường giúp các doanh nghiệp liên kết chuỗi. Về phía cơ quan quản lý, các đơn vị cũng kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư về nguyên liệu, máy móc.
Về dài hạn, ông Giang cho rằng cần tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới và nỗ lực "xanh hóa" ngành dệt may, phát triển bền vững ngành dệt may trong tương lai.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của siêu bão số 3 (Yagi) nhưng chỉ số doanh thu bán lẻ, du lịch của nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng đáng kể.
Thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam cuối năm 2024 sẽ có chuyển biến tích cực, với nguồn cung mới cải thiện đáng kể so với quý 3/2024. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng còn cần nhiều yếu tố để tạo nên kịch bản lý tưởng, hoặc kỳ vọng, thách thức cho thị trường…
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những tháng cuối năm, TP.HCM sẽ có nhiều gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Hai đai gia trên thi trường chứng khoán là FPTS và Pinetree bị phạt do vi phạm về công bố thông tin và nhân sự và cấp giao dịch ký quỹ với mã chứng khoán không được phép, lần lượt số tiền là 177,5 triệu và 190 triệu đồng.
Hôm nay 15/10, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ 2 chiều (bao gồm nghe và gọi) đối với các thuê bao còn sử dụng mạng 2G Only. Theo đó, hơn 770 nghìn thuê bao sẽ bị khóa.
UBND TP.HCM đề xuất giữ được lại toàn bộ số thu ngân sách vượt dự toán đối với phần thu chia sẻ giữa Trung ương và địa phương giai đoạn 2026-2030 để làm đường sắt đô thị.